Khác biệt của điện ảnh Nhật Bản

Đa số nhà làm phim Nhật Bản chỉ tập trung phát triển thị trường nội địa. Rút kinh nghiệm từ thế hệ trước, họ lo ngại việc đưa tác phẩm ra quốc tế sẽ không được đón nhận.

Theo Variety, ngành phim ảnh các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... đang phục hồi trở lại. Phim do họ sản xuất được chiếu cả trong lẫn ngoài nước sau thời gian "đóng băng" vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, điện ảnh Nhật Bản tỏ ra khác biệt hơn cả. Nhà làm phim xứ hoa anh đào chủ yếu quay phim địa phương để phục vụ khán giả trong nước. Hãng phim Nhật vẫn đánh giá cao sự công nhận quốc tế, nhưng doanh số từ việc phát hành phim ở nước ngoài "chỉ như món tráng miệng sau bữa tối - một phần ăn bổ sung, không cần thiết", Variety viết.

Lý do khiến Nhật Bản trở thành thị trường xa rời khu vực vì ngành phim nước này lớn thứ ba thế giới về doanh thu (sau Bắc Mỹ và Trung Quốc), dễ giúp các hãng thu lợi khổng lồ ngay tại quê nhà. Hơn nữa, sai lầm và thất bại trước đó khi mạo hiểm đưa phim ra nước ngoài đã khiến đa số nhà làm phim chỉ muốn tập trung tiêu thụ tác phẩm nội địa.

Lý do điện ảnh Nhật Bản kén ở thị trường quốc tế

Theo Variety, ví dụ điển hình nhất là Tora! Tora! Tora! của đạo diễn Kurosawa Akira. Phim lấy đề tài chiến tranh sử thi phát hành năm 1970 được xem như nỗi thất vọng về doanh thu phòng vé Bắc Mỹ, dù nó mang về hơn 29,5 triệu USD tiền bán vé ở thị trường Nhật Bản - trở thành phim có doanh thu cao thứ 9 ở Nhật năm đó.

Lý giải nguyên nhân Tora! Tora! Tora! không được quốc tế quan tâm, Vincent Canby - nhà phê bình của New York Times - nói phim "không hơn không kém gì cọc tiền 25 triệu USD sản xuất phim, chẳng mấy ấn tượng". Variety cũng nhận thấy mạch phim nhàm chán, tuy nhiên khen ngợi các phân cảnh hành động và giá trị nhân văn.

Gần đây hơn, nhà sản xuất kỳ cựu Sento Takenori đã đánh mất công ty Rumble Fish sau khi chiến lược làm phim nghệ thuật gửi đến các liên hoan quốc tế không mang lại lợi nhuận như ông kỳ vọng.

"Nhật Bản thiếu hợp ước đồng sản xuất phim với các quốc gia. Ngoài ra, hệ thống sản xuất có điều khoản chia sẻ rủi ro với hơn nửa tá công ty khác, thuộc những nhánh khác nhau của lĩnh vực giải trí. Điều này khiến việc ra quyết định liên quan đến một bộ phim rất chậm, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với đối tác nước ngoài", Variety lý giải.

 Nam diễn viên Kiyoshi Atsumi trong một cảnh phim Tora-san. Ảnh: Hollywood Reporter.

Nam diễn viên Kiyoshi Atsumi trong một cảnh phim Tora-san. Ảnh: Hollywood Reporter.

Ngược lại, đạo diễn kiêm nhà biên kịch Yamada Yoji thực hiện các phần của Tora-san - loạt phim hài xoay quanh gia đình người bán rong lang thang do Kiyoshi Atsumi thủ vai từ năm 1969 đến 1995, không thất bại trong việc thu lợi cho công ty Shochiku Studio. Loạt phim vẫn ăn nên làm ra dù là tác phẩm xa lạ với quốc tế.

Tuy nhiên, kể từ trường hợp "an phận" của Tora-san, ngành phim ảnh Nhật Bản đã vươn ra thế giới theo cách không có tính toán trước, và cũng gặt hái thành công nhất định.

Nhờ sự bùng nổ của những sự kiện điện ảnh châu Á và nền tảng trực tuyến như Netflix hay Amazon Prime, phim Nhật đã đến gần hơn với khán giả ngoại quốc.

Do đó, các nhà làm phim xứ sở mặt trời mọc không còn phải bốc thăm để nhận được lời mời đến Liên hoan phim Cannes hoặc Venice để nâng tầm quốc tế, xây dựng ảnh hưởng và doanh thu phòng vé cho các phim nội địa.

Ban đầu được trình chiếu ở nhà hát Tokyo trong một tuần, phim hài về thây ma của Ueda Shinichiro, One Cut of the Dead, đã được PR rầm rộ tại giải thưởng dành cho khán giả thuộc Liên hoan phim Viễn Đông 2018 - sự kiện quảng bá điện ảnh châu Á lớn nhất châu Âu. Kết quả, One Cut of the Dead chỉ với 25.000 USD kinh phí sản xuất nhưng thu về hơn 30 triệu USD trong lẫn ngoài nước.

Những nhà làm phim Nhật Bản đi ngược số đông

Theo Variety, các đạo diễn lớn, từng giành giải Cành cọ Vàng như Hirokazu Kore-eda hay Kiyoshi Kurosawa - những người thường xuyên đến Cannes - mới được xem là số ít nhà làm phim khác biệt của điện ảnh Nhật Bản.

Phim của họ không chỉ ăn khách ở phòng vé quốc tế, với Pháp là thị trường được chào đón đặc biệt, mà còn chứa những cảnh quay đặc sắc không phải ở Nhật Bản.

Hirokazu Kore-eda đã chỉ đạo The Truth (2019) - bộ phim hợp tác giữa Nhật và Pháp được quay hoàn toàn ở Pháp với các ngôi sao Catherine Deneuve, Juliette Binoche và Ethan Hawke. Hiện tại, Hirokazu cũng trong quá trình làm hậu kỳ cho Broker, tác phẩm liên quan đến Hàn Quốc đầu tiên của ông.

Cùng năm 2019, người yêu điện ảnh chứng kiến thành công khác của Hirokazu Kore-eda khi ông thực hiện phim Road to the Ends of the Earth ở Uzbekistan và nam diễn viên địa phương Adiz Rajabov đã xuất hiện trong vai quan trọng.

 Prisoners of the Ghostland được Variety đánh giá là tác phẩm đột phá của đạo diễn Sono Sion ở thị trường quốc tế. Ảnh: LA Times.

Prisoners of the Ghostland được Variety đánh giá là tác phẩm đột phá của đạo diễn Sono Sion ở thị trường quốc tế. Ảnh: LA Times.

Trong khi đó, nhà làm phim Sono Sion từ lâu đã được khán giả nước ngoài yêu thích. Năm 2017, danh tiếng ông vang xa với series Tokyo Vampire Hotel hợp tác cùng Amazon Prime. Variety đánh giá Prisoners of the Ghostland (Nicholas Cage đóng chính) là sự đột phá ở Hollywood của người đàn ông gốc Nhật Bản. Amazon Prime chịu trách phát trực tuyến phim này ở thị trường Mỹ, Nhật và các vùng lãnh thổ khác.

Với sự lớn mạnh của điện ảnh Nhật, Netflix cũng nhanh chóng nhảy vào. "Gã khổng lồ" của nền tảng trực tuyến tăng cường sản xuất các dòng phim anime, phim điện ảnh do người đóng và cả thể loại truyền hình dài tập. Hồi tháng 6, The Naked Director - phim tái hiện những ngày vinh quang lẫy lừng của ông tổ ngành phim 18+ Toru Muranishi - chiếu trên Netflix thu hút lượng người xem không nhỏ.

Tác phẩm khoa học viễn tưởng Alice In Borderland chuẩn bị khởi quay phần mới sau thành công từ mùa một, ra mắt vào tháng 12/2020. Phần đầu của phim lấy chủ đề trò chơi sinh tồn, đan cài những pha nguy hiểm do Sato Shinsuke đạo diễn, đã nằm trong top 10 chương trình được xem nhiều nhất trên Netflix ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khac-biet-cua-dien-anh-nhat-ban-post1275945.html