Khắc ghi bài học từ những lần được gặp Bác

4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ là niềm tự hào không bao giờ quên đối với nhà giáo Võ Phổ, nguyên Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Lời dạy, bài học quý từ Bác luôn được ông khắc ghi, rèn luyện trong suốt 40 năm đứng trên bục giảng và trong cuộc sống hàng ngày.

Những bài học sâu sắc

Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, gầy guộc của thầy Võ Phổ, ít ai nghĩ rằng, từ năm 14 tuổi, thầy đã tham gia du kích địa phương trong Đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), tiêu diệt hàng chục tên địch và 12 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Khi nói về những lần được gặp Bác Hồ, đôi mắt thầy Phổ ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào sâu sắc. Thầy Võ Phổ chia sẻ: “Với những người con miền Nam được gặp Bác đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Với tôi, được 4 lần gặp Bác là niềm tự hào, những dấu mốc quan trọng cho sự trưởng thành của bản thân. Mỗi lần gặp Bác là những cảm xúc riêng nhưng tựu trung lại vẫn nhận rõ nơi Bác một nhân cách lớn, vĩ đại trong con người giản dị. Từng lời nói, cử chỉ, sự quan tâm của Bác đều chứa đựng những bài học làm người sâu sắc”.

 Thầy Võ Phổ (mang khăn rằn) chụp ảnh cùng Bác Hồ và các vị đại biểu. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thầy Võ Phổ (mang khăn rằn) chụp ảnh cùng Bác Hồ và các vị đại biểu. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thầy Phổ kể rằng, sau khi tham gia nhiều trận đánh và cùng đồng đội tiêu diệt rất nhiều lực lượng và phương tiện của địch, năm 17 tuổi, thầy vinh dự được tham gia Đoàn Dũng sĩ trẻ miền Nam ra thăm miền Bắc vào năm 1968. Khi ấy, thầy đang mang trong người 14 vết thương và có những vết thương còn rất mới. Chuyến đi đó đã trở thành bước ngoặt lớn của cuộc đời khi lần đầu thầy được gặp Bác. Đó cũng là lần để lại ấn tượng đặc biệt nhất với thầy Phổ.

Lần đó, ra đến miền Bắc, thầy và đoàn dũng sĩ trẻ được gặp Bác Hồ, Bác Tôn. Vừa nhìn thấy Bác, cả đoàn đã chạy vội đến bên Người. Riêng thầy Phổ do chân đau vì vết thương nên chạy chậm hơn, ngồi phía xa Bác. Thầy Phổ nhớ lại, sau khi hỏi thăm hết mọi chuyện của các thành viên trong đoàn, Bác nhờ một người nhân viên mang chiếc ghế nhỏ để trước mặt Bác và quay về phía thầy Phổ bảo: “Cháu Phổ là người ngồi xa nhất thì cháu hãy lại đây ngồi gần Bác”. Khi ông vừa mới ngồi cạnh Bác thì Bác nở nụ cười hiền hậu và nói một câu hóm hỉnh rằng: “Như vậy là Bác cháu ta không còn xa nhau nữa rồi đấy!”. Thầy xúc động nói: “Lúc đó, tôi nhận thấy một tình cảm ấm áp, hạnh phúc lại vừa bất ngờ đang lan tỏa trong người với sự quan tâm của Bác. Tôi nhận ra ngay chính là bài học về sự công bằng mà Bác muốn nói với anh em trẻ tuổi của chúng tôi thời bấy giờ”.

Bên cạnh đó, Bác còn hỏi thăm rất cặn kẽ về các vết thương của thầy Phổ. Dù thầy đã thưa các vết thương đã khỏi nhưng Bác đã nhận thấy ngay vết thương từ dáng đi của thầy. Bác đã yêu cầu thầy Phổ mở băng để Bác xem. Sau đó Người ân cần dặn: “Vết thương của cháu còn rất nặng nên sau buổi gặp, ăn cơm với Bác, Bác sẽ đưa cháu đi bệnh viện để chữa lành vết thương”. “Lúc đó, tôi thật quá xúc động vì nghĩ Bác còn phải lo việc lớn của đất nước nhưng lại rất chu đáo, hiểu rõ, quan tâm đến các cháu nhỏ như vậy. Tôi đã bật khóc nức nở” – thầy Phổ nhớ lại. Bác bảo: “Gặp Bác phải vui chứ sao lại khóc?”. Thầy Phổ thưa rằng: “Bác là lãnh tụ, bận lo nhiều việc lớn mà vẫn lo nghĩ cho các cháu như vậy. Vì vậy mà cháu khóc”. Bác đã vỗ về: “Cháu là người lớn tuổi nhất trong đoàn, phải vui, đừng khóc để làm gương cho các bạn, các em”. Đó là bài học về sự quan tâm chu đáo, về nêu gương Bác dạy mà thầy luôn làm theo thời gian sau này.

 Thầy Võ Phổ trong một lần giao lưu truyền lửa cho sinh viên.

Thầy Võ Phổ trong một lần giao lưu truyền lửa cho sinh viên.

Sau đó, đoàn Dũng sĩ miền Nam gặp Bác vài lần nữa. Thầy kể: “Tôi để ý, trong Phủ Chủ tịch, căn phòng nào cũng có đồng hồ. Những lần đi đón khách với Bác, chúng tôi luôn đến sớm. Bác chỉ tay vào đồng hồ và nói: “Bác cháu ta đến rất đúng giờ”. Một lần, hai lần, ba lần… Bác đều nói như thế đã trở thành bài học làm người không bao giờ quên của tôi và đồng đội”. Nhớ lời Bác, suốt 40 năm đi dạy học, thầy Võ Phổ chưa bao giờ đi trễ dù chỉ 1 phút và không bao giờ nặng lời với sinh viên và mọi người xung quanh.

Làm việc tận tâm, trách nhiệm

Khi hỏi chuyện, Bác biết thầy Phổ và đồng đội chủ yếu mới học hết lớp 1, lớp 2, thậm chí nhiều người chưa biết chữ nên Bác khuyên: “Các cháu phải gắng học. Làm người cần phải có tâm đức, ý chí và tri thức. Các cháu phải học để đến ngày hòa bình còn góp sức xây dựng miền Nam”. Sau lần đó, thầy Phổ được giữ lại ở miền Bắc và được cho đi học văn hóa rồi trở thành sinh viên Trường Đại học Xây dựng.

Thế nhưng, sau ngày thống nhất đất nước, thầy Võ Phổ quay vào TP Hồ Chí Minh, xin vào học khoa Triết của Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống với nhiều vất vả, khó khăn nhưng thầy nêu cao ý chí, làm nhiều công việc để kiếm sống và trang trải việc học tập. Năm 1980, với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, thầy Phổ về dạy bộ môn Lý luận Chính trị tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu giảng viên giỏi của trường. Điều tâm niệm nhất của thầy Phổ là phải kết hợp truyền thụ không chỉ lý thuyết mà còn là tư cách đạo đức để sinh viên phải luôn phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích. Những bài học từ Bác chính là nguồn cảm hứng, động lực giúp thầy lan tỏa tâm huyết đến với nhiều thế hệ trẻ. Dù bộ môn lý thuyết nhưng trong giờ giảng của thầy Phổ, giảng đường hầu như không còn chỗ trống.

 Thầy Võ Phổ chụp ảnh cùng lãnh đạo Thành ủy, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trong chương trình tuyên dương thanh niên tiến tiến TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác 2020.

Thầy Võ Phổ chụp ảnh cùng lãnh đạo Thành ủy, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trong chương trình tuyên dương thanh niên tiến tiến TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác 2020.

Đối với nghề, thầy Phổ tâm niệm phải luôn là tấm gương cho sinh viên, phải phấn đấu không ngừng làm việc và cống hiến. Vì vậy, không chỉ dạy giỏi, vào những ngày hè tình nguyện, hình ảnh người thầy thương binh nhỏ nhắn cùng sinh viên đến các miền quê nghèo để tổ chức hoạt động văn hóa, lao động giúp địa phương… trở thành hình mẫu chân thực và thuyết phục nhất cho thế hệ trẻ. Bản thân thầy Phổ từ năm 2006 đến nay, thầy không nhận thù lao bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh mà dùng làm kinh phí giúp đỡ sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục con đường học vấn. Thầy cũng mong muốn các cấp nên xem xét dạy học miễn phí bộ môn này vì theo thầy, Bác Hồ ngày xưa đâu lấy tiền của ai, tại sao sinh viên học Tư tưởng Hồ Chí Minh phải đóng tiền. “Hãy dạy để làm sao tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người phải gần gũi, lan tỏa trong sinh viên nhiều hơn nữa” – thầy Phổ trăn trở.

Tấm lòng, tinh thần làm việc của thầy Võ Phổ luôn được các thế hệ giảng viên, sinh viên trên địa bàn thành phố quý mến. Chính vì vậy, dù nghỉ cương vị quản lý nhưng lịch giảng dạy, nói chuyện với sinh viên của thầy luôn kín thời gian. Nói lời căn dặn với sinh viên, thầy Phổ mong muốn: “Bác Hồ không nói những câu giáo điều nhưng những điều Bác nói luôn cực kỳ sâu sắc. Thế hệ trẻ cần học Bác nhiều hơn, thiết thực hơn. Hãy xây dựng cho bản thân tác phong làm việc đúng giờ bởi đúng giờ là biểu tượng, mệnh lệnh của con người làm việc tận tâm, trách nhiệm. Đừng bao giờ thôi ngừng nghỉ làm việc, hãy luôn làm việc thì chắc chắn sẽ tìm được niềm vui từ công việc”.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/khac-ghi-bai-hoc-tu-nhung-lan-duoc-gap-bac-618056