Khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ Công an

Liên hoan sân khấu toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' lần thứ IV đang diễn ra (từ 16/7 đến 2/8) tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Tại đây, sân khấu của Thủ đô hội tụ những gương mặt tài năng trẻ khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong số đó có NSƯT Thùy Linh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), gương mặt đã 4 lần trực tiếp tham gia vai diễn chính trong cả 4 kì liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Và diễn viên Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), gương mặt vô cùng quen thuộc khi vào các vai người chiến sĩ CAND trong phim trường, điện ảnh nhưng đây lại là lần đầu tiên anh vào vai người chiến sĩ công an trên sân khấu kịch nói. Hai nhân vật, hai chiến sĩ, mỗi người một câu chuyện kịch nhưng đều để lại cho khán giả niềm tin yêu người chiến sĩ CAND trong cuộc chiến đấu chống tội phạm.

Gương mặt thân quen của 4 kì hội diễn

Thùy Linh là diễn viên chính của sân khấu kịch Nam Định của cả hai thập niên nay. Lối diễn xuất có lửa và để lại ấn tượng với những vai cá tính, đôi khi dữ dội đến mức, NSƯT Đào Quang, Gám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định bảo: “Linh diễn nhiệt quá, cháy đến độ thiêu đốt tận con tim khối óc của khán giả và bạn diễn cũng bị cuốn theo”.

Nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh tham gia 4 vai chính trong 4 kì Liên hoan Sân Khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh tham gia 4 vai chính trong 4 kì Liên hoan Sân Khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Linh sinh ra trong nôi nghệ thuật có mẹ là diễn viên cải lương, cô, dì, chú, bác làm văn hóa nghệ thuật. Người thì làm diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nam, người đang tham gia ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, nếu quy tụ cả gia đình họ hàng thì thành cả một đoàn nghệ thuật.

Ngay từ thuở thơ bé, Linh được tiếp xúc với ánh đèn sân khấu lung linh sắc màu với những vai diễn nên chất nghệ thuật đấy đã ngấm tận vào máu, ăn tận vào xương. Có lẽ, NSƯT Thùy Linh là một gương mặt hiếm hoi của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ CAND” vì cả 4 lần Linh đều tham gia và đóng vai chính, 4 nhân vật với 4 tính cách khác nhau, không vở nào giống vở nào.

Ở liên hoan lần đầu tiên, Linh mới 24 tuổi, đóng vai bà mẹ 45 tuổi (cô Nhân) trong vở kịch “Ai là thủ phạm” tác giả̉ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Cô Nhân - một bác sĩ giàu lòng nhân ái, làm vợ hai, cô chịu trách nhiệm thay chồng ở nhà nuôi con chồng, chăm sóc con riêng của chồng (nhân vật Vinh).

Ban đầu, cô Nhân phải nhận rất nhiều lời bàn tán xì xào của những người hàng xóm chung quanh và sự ghẻ lạnh của con chồng. Sau tất cả những nỗ lực và tình thương yêu chân thành của cô Nhân và Diệp - người yêu của Vinh, đã giúp Vinh từ một người mất niềm tin vào cuộc sống đã hòa nhập trở lại với cuộc sống.

Nhân vật Trung tá Đính trong vở diễn là người đã góp phần quan trọng, người đã cùng cô Nhân đưa Vinh quay trở lại. Lần đầu tiên đi thi Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, Linh giành được được huy chương bạc.

Sau 5 năm, lần thứ hai, Linh dự liên hoan với vai Thúy trong vở “ Họa mi đã hót”. Cô gái được sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ là quan chức nhà nước. Cả cha và mẹ đều mải mê chạy theo đồng tiền, ít quan tâm đến con cái. Thúy luôn cảm thấy cô đơn, trống trải, lạc lõng trong chính ngôi nhà mình, rồi dần dà sự buồn chán này lên đến cực điểm nên Thúy bỏ học, đàn đúm ăn chơi sa đọa, lao vào nghiện ngập. Khi bố mẹ phát hiện ra sự ăn chơi của con gái, thì Thúy đã nghiện rất nặng.

Cuộc sống của Thúy những ngày dài trượt dốc, nhiều lúc tưởng chừng như không có lối thoát và nhờ người chiến sĩ CAND đã đưa Thúy trở lại với cuộc sống đời thường và giúp Thúy hòa nhập với cộng đồng xã hội, dần dần hoàn thiện con người Thúy. Vở diễn này đã mang về cho Thùy Linh tấm huy chương vàng.

Cùng thời điểm đó Thùy Linh tham gia các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giành giải nhất Tài năng trẻ, năm 2001. Với vai Diệu Loan trong vở “Thiên Nga”, Thùy Linh đã hóa thân từ cô gái hơn 20 tuổi thành một phụ nữ gần 50 tuổi.

Với “cơn mưa” huy chương từ các kì hội diễn, tròn 30 tuổi, Thùy Linh nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Lần thứ ba tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, Đoàn Kịch nói Nam Định có vở “Phía sau vụ án” tác giả Vũ Xuân Cải, đạo diễn NSND Trần Nhượng.

Một cảnh trong vở “Hải Âu trắng” của đoàn kịch nói Nam Định.

Một cảnh trong vở “Hải Âu trắng” của đoàn kịch nói Nam Định.

Thùy Linh vào vai Hạnh - một phụ nữ thông minh và nhạy bén, có vị trí trong xã hội, là vợ của một đồng chí công an. Chồng Hạnh quá mải mê với công việc của mình quên mất là mình đã có một người vợ luôn ở nhà với những bữa ăn đã được dọn sẵn để chờ đợi chồng, những ngày đứng bên bậu cửa để trông ngóng chồng và những đêm dài thao thức vì cô đơn quạnh quẽ.

Cảm thấy trống vắng, Hạnh ngã vào vòng tay sếp của mình. Bố đẻ của Hạnh là ông Trần Cảnh, giám đốc công an tỉnh. Vì trong gia đình Hạnh vừa có bố đẻ và chồng là công an nên người tình của Hạnh lợi dụng Hạnh để buôn lậu. Hạnh về o ép chồng để chồng cho qua những phi vụ làm ăn của người tình. Cuối cùng, Hạnh rơi vào trạng thái của tận cùng sự khốn khổ. Một lần nữa, bằng nỗ lực và khả năng diễn xuất, vai Hạnh mang đến cho Thùy Linh huy chương vàng.

Và lần này, tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ tư, Linh vào vai nữ chiến sĩ công an. Đây cũng là lần đầu tiên Linh vào vai một nữ chiến sĩ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Hương, người nữ chiến sĩ có tình yêu sâu đậm với một nam đồng nghiệp cùng đơn vị. Do hoàn cảnh đưa đẩy, người yêu của Hương nhúng chàm khi bắt tay với tội phạm. Hương bị thương trong một cuộc đối đầu với bọn tội phạm. Kết thúc vở kịch, là một tình huống trớ trêu khi cô cùng đồng đội bắt chính người yêu của mình. Ánh sáng của công lý, ánh sáng của pháp luật, ánh sáng của niềm tin vào người chiến sĩ CAND vẫn giữ vững nhân cách để đem lại sự bình yên cho từng ngôi nhà, góc phố.

Ngay sau đêm diễn về hình tượng người chiến sĩ CAND tại sân khấu Nhà hát Âu Cơ, NSƯT Thùy Linh lại cấp tập những chuyến lưu diễn đến các tỉnh tuyên truyền về biển đảo.

NSƯT Linh trải lòng: “Được thử sức trên sân khấu Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, đa dạng vai với các tính cách nhân vật không giống nhau: Từ cô gái mới lớn thích ăn diện, nông nổi, chơi bời, nghiện ngập, tiếp theo vào vai vợ người chiến sĩ công an có hạnh phúc gia đình bất ổn.

Với Linh, ấn tượng nhất là được vào vai cô Hương trong “Hải âu trắng” ở lần hội diễn này. Để đưa thành công hình tượng người chiến sĩ CAND lên sân khấu thì không phải là dễ. Thể hiện diễn biến tâm lí của người chiến sĩ công an thì càng khó hơn rất nhiều nhưng cũng rất may mắn Hương đã thể hiện được và luôn giữ cảm xúc thăng hoa theo nhân vật”.

Hóa thân người chiến sĩ Công an cả trong phim và trên sân khấu

Là gương mặt tài năng trẻ của cả điện ảnh và truyền hình, Thiện Tùng hiện đang đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh tham gia nhiều vai chiến sĩ công an của điện ảnh công an như: Phim “Phi vụ cuối cùng”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng; “Ma rừng”, đạo diễn Đào Duy Phúc; “Đội đặc nhiệm H88”, đạo diễn Nguyễn Trung Thực.

Nghệ sĩ Thiện Tùng, người tham gia cả chục vai người chiến sĩ CAND trên sân khấu và điện ảnh.

Nghệ sĩ Thiện Tùng, người tham gia cả chục vai người chiến sĩ CAND trên sân khấu và điện ảnh.

Luôn nhận mình là người có duyên về người lính, Thiện Tùng cũng đã xuất hiện với những phim: “Chớp mắt cùng số phận” của đạo diễn Lê Ngọc Linh; “Trung úy” của đạo diễn Hà Sơn. Đó là một cái duyên không phải người diễn viên nào cũng có được ngay từ khi vào nghề.

Vai diễn đầu tiên trên màn ảnh rộng của anh là vai nam chính trong “Chớp mắt cùng số phận” (năm 2007). Cuối năm đó anh lại được mời tham gia vai chính trong phim truyện nhựa “Trung úy”. Còn trên sân khấu kịch thì có thể kể đến vai người lính trong vở “Đôi mắt”, “Những người con Hà Nội”...

Ngay sau dịp tết Nguyên đán, cả nước nghỉ tránh dịch COVID-19, tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đành dừng các buổi tập cho đến hết thời hạn giãn cách xã hội. Sau đợt dịch, họ lại bắt tay vào vở kịch mới mang tên “Kẻ trộm”, của tác giả kịch bản Lê Quý Hiền. Đây là một vở kịch chính luận về đề tài đấu tranh chống tham nhũng. Thiện Tùng vào vai nam chính - một chiến sĩ công an, đội trưởng đội cảnh sát hình sự. Người chiến sĩ hết lòng với công việc, hy sinh tất cả, thậm chí là cả hạnh phúc riêng để đấu tranh bảo vệ công lý, vì sự bình yên của xã hội. Đây là vở kịch bám sát đời sống xã hội, những vấn đề nhức nhối hiện nay.

Trải lòng về nghề, anh bảo: “Tôi vẫn chọn cách làm nghề truyền thống, không ồn ào, chỉ cần vai diễn cho mình thỏa sức sáng tạo. Tôi muốn đem đến những hình ảnh gần gũi nhất với đời sống bởi hình thức của mình cũng khá đơn giản, gần gũi với những con người bình dị. Tôi muốn mỗi khán giả đều có thể tìm thấy mình trong vai diễn, thấy gần gũi với người diễn viên chứ không phải tạo ra một hình tượng đẹp lồng lộng nhưng xa cách. Nghề diễn là một nghề khắc nghiệt, nó cần một cái duyên... Tôi không đặt ra mục tiêu phải thế nọ thế kia nhưng sẽ tận dụng tốt những cơ hội mà mọi người mang đến cho mình”.

Lần này, Thiện Tùng ghi dấu ấn khi vào vai người chiến sĩ Thành trong vở “Kẻ trộm”. Nội dung của vở kịch xoay quanh câu chuyện Tuấn - một anh xe ôm có vợ con gia đình, hằng ngày đứng chờ khách trước cổng ủy ban bỗng một ngày lại đến trụ sở công an tự thú. Anh ta tự nhận đã vào phòng ông Sĩ - chủ tịch huyện lấy trộm 5 tỷ đồng. Thế nhưng, ngược đời thay, ông Sĩ - người bị hại lại chỉ nhận mình mất 5 triệu đồng và tìm mọi cách kể cả đút lót chỉ mong công an cho qua chuyện. Thậm chí, ông Sĩ đã tống Tuấn vào trại tâm thần.

Mọi chuyện rắc rối hơn khi Tuấn chính là ân nhân cứu mạng Hương - con gái ông Sĩ, điều đó khiến Hương không thể tin việc ăn trộm của Tuấn và cô luôn muốn tìm ra sự thật. Và Thành - người yêu của con gái chủ tịch huyện cũng chính là cảnh sát điều tra vụ án này. Thành phải đứng trước hai lựa chọn. Sự thật và tình yêu? Chân lý và hạnh phúc cá nhân? Anh có nên tiếp tục điều tra vụ án đến tận cùng hay không? Anh có nên phơi bày sự thật hay im lặng để đổi lấy tình yêu và một cuộc đời êm ấm? Liệu làm theo lẽ phải, liệu việc thực thi công lý có khiến anh mất đi người yêu thương và đẩy ông bố vợ tương lai vào vòng lao lý...

Vai Thành đã để lại trong lòng khán giả niềm tin vào công lý, niềm tin vào những người chiến sĩ CAND, những người đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, diệt trừ tội ác, đem lại sự bình yên trong từng góc đường, con phố, từng mái ấm gia đình.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khac-hoa-thanh-cong-hinh-anh-nguoi-chien-si-cong-an-604626/