Khắc khoải bản Nhài

Trở lại bản Nhài, xã Sơn Điện (Quan Sơn) trong những ngày cuối tháng 8, đi trên con đường nội bản được bê tông kiên cố, sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà được xây dựng khang trang, kiên cố, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt... chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự 'thay da, đổi thịt' trên vùng đất khó sau hơn 3 năm được công nhận bản NTM kiểu mẫu.

Nhà văn hóa bản Nhài, xã Sơn Điện (Quan Sơn).

Nhà văn hóa bản Nhài, xã Sơn Điện (Quan Sơn).

Bước chuyển mình ở bản NTM

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh bản, ông Hà Văn Quyết, trưởng bản Nhài vừa đi, vừa kể những câu chuyện về một thời gian khó. Nếu như không có chương trình XDNTM và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đồng lòng, quyết tâm cao của Nhân dân thì không biết cuộc sống sẽ ra sao. Nhiều năm về trước, nơi đây còn bộn bề những gian khó, người dân quen chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn hoặc thả nuôi tự do nên không kiểm soát được dịch bệnh, lại gây ô nhiễm môi trường. Cộng thêm trình độ dân trí còn hạn chế, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào khai thác nông, lâm sản, sản phẩm làm ra chỉ đủ “tự cung, tự cấp”, bởi vậy tỷ lệ hộ nghèo nhiều.

Bản Nhài có gần 70% đồng bào Thái, còn lại là Mường, Kinh. Khi bắt tay xây dựng bản NTM kiểu mẫu, ban quản lý bản, chi hội đoàn thể, cùng người dân xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai, thực hiện. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động, 68/93 hộ đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng luồng, vầu, nứa lên gần 300ha trong tổng số hơn 350ha đất tự nhiên của bản. Bà con hăng hái tham gia làm đẹp bản làng, trồng hoa ven đường, giữ vệ sinh chung, cùng nhau duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư. Trẻ con trong bản 100% được đến trường đúng độ tuổi, không có tình trạng bỏ học, nghỉ học giữa chừng.

Phấn khởi hơn, nhiều năm qua trong bản không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội khác. Nhờ sự đồng thuận, đoàn kết cao trong hệ thống chính trị, xã hội, năm 2021 bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Trong mỗi căn nhà, xuất hiện nhiều hơn các thiết bị hiện đại, như: tivi, quạt điện, nồi cơm điện, máy giặt... Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Nỗi lo về những đợt mưa lớn

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, huyện, hệ thống điện, đường giao thông, điểm trường và các công trình phục vụ sinh hoạt ở bản Nhài được đầu tư bài bản, đồng bộ, khang trang. Người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, do luồng, vầu, nứa là cây trồng chủ lực và là cây kinh tế mũi nhọn của bà con, song thời gian gần đây sản phẩm không tiêu thụ được, hoặc chậm, giá cả lại bấp bênh, thậm chí liên tục giảm sút, chỉ còn dao động khoảng từ 130.000 - 180.000 đồng/tạ, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân. Nhiều thanh niên trong bản đã phải rời quê hương đi làm ăn xa. Vào mùa khô, do thiếu nguồn nước nên việc canh tác hoa màu, trồng lúa trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Oái ăm nhất là câu chuyện người chết phải đi bè mảng đến nghĩa trang...

Đồng bào Thái ở bản Nhài bên cạnh khung dệt truyền thống.

Đồng bào Thái ở bản Nhài bên cạnh khung dệt truyền thống.

Chia sẻ về điều này, trưởng bản Hà Văn Quyết trầm ngâm: “Khu nghĩa địa của bản nằm phía bên kia bờ sông Luồng. Mùa khô nước sông cạn, việc đi lại đỡ vất vả, khó nhọc hơn, song cứ hễ vào mùa mưa lũ về, người dân qua sông canh tác, sản xuất, đặc biệt là an táng cho người đã khuất gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, nước sông dâng cao, chảy xiết, nhiều gia đình có người mất rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”, họ phải chọn lựa cho nhiều phương án khác nhau, một là chờ nước rút mới đi chôn cất, hai là đánh liều đặt quan tài lên bè mảng kéo qua sông. Bất đắc dĩ phải xin an táng nhờ khu nghĩa địa ở bản khác”.

Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: Bản Nhài là một trong hai bản NTM kiểu mẫu của xã. Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn ở bản Nhài có nhiều khởi sắc, người dân không còn thói quen trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, tập trung sản xuất, đổi mới phương thức tập quán canh tác. Dẫu vậy, do đặc thù về địa hình sông, suối, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt mỗi khi mưa lớn, việc an táng cho người đã khuất gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, rất mong chính quyền các cấp có những giải pháp giúp bà con trong bản tháo gỡ cái khó này...

Bài và ảnh: Viết Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khac-khoai-ban-nhai-32671.htm