Khắc khoải dâu tằm
Người dân vùng ven sông Vệ, sông Phước Giang lâu nay xem nghề trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống. Tuy nhiên, khó khăn về đầu ra nên nhiều hộ chuyển sang trồng cây khác. Những hộ còn lại thì vừa làm, vừa mong đầu ra của trái kén ổn định để sống được với nghề.
Tháng Tư, con đường từ Quốc lộ 1 về xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đầy nắng. Thế nhưng đến đầu thôn Phước An, xã Đức Hiệp đã thấy cánh đồng xanh nhìn mát mắt. Đây đó những đám dâu, sau khi chặt cành, bón phân, tưới nước, lá lên xanh rờn.
Ký ức tơ tằm
Ông Võ A - người gắn bó lâu năm với nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Đức Hiệp đi thăm đồng. Nghe hỏi chuyện, ông cười nói: “Làng này ven sông Vệ, vào mùa mưa bão, nước sông dâng lên ngập bến bờ. Khi nước rút, đọng lại lớp phù sa khá dày nên trồng dâu lên xanh tốt bời bời”. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa không nặng nhọc, nhưng bận rộn quanh năm. Bởi thế, dân gian có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng”. Những mớ lá dâu sau khi gánh về thì dùng dao cắt nhỏ, đổ ra nong tre, cho tằm ăn, rồi đưa tằm lên bủa. Những ngày sau đó, hái những trái kén vàng ươm, đem quay tơ, dệt thành lụa. Lụa tơ tằm rất nhẹ, mặc rất mát và bền nên ai cũng thích.

Chị Võ Thị Thơ, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chăm sóc cây dâu trên bãi bồi ven sông Vệ.
Chẳng ai nhớ nghề trồng dâu, nuôi tằm nơi đây có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, thời 9 năm chống Pháp, Quảng Ngãi thuộc vùng tự do của Liên khu 5. Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ đặt ở huyện Nghĩa Hành. Những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về đây trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến. Chủ trương tự túc, tự cường, góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược được quán triệt trong toàn quân và toàn dân. Người dân xã Đức Hiệp và nhiều xã vùng ven sông Vệ, sông Phước Giang phát huy nghề trồng dâu, nuôi tằm ươm tơ dệt lụa cung ứng vật lực cho kháng chiến.
Rồi bước qua cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm, nhiều làng quê ven sông Vệ, sông Phước Giang yên bình thành chiến trường. Đêm đêm nghe pháo địch bắn về từ Chi khu quận lỵ Nghĩa Hành, Mộ Đức. Sinh mạng con người chưa giữ được thì mấy ai có thể tiếp tục sống với nghề. Nhiều người ngậm ngùi gom vật dụng làm nghề trồng dâu, nuôi tằm để trên khung nhà gỗ và mong đến ngày thống nhất để phục hồi nghề xưa...
Chuyện thăng trầm
Sau ngày giải phóng, những làng quê ven sông Vệ, sông Phước Giang, người người hớn hở phục hồi nghề xưa. Vẫn giống dâu sẻ lá bầu, vẫn giống tằm ta cho trái kén vàng ươm nhưng thời hậu chiến, đất nước bị bao vây cấm vận, vải vóc thiếu, nên nghề trồng dâu nuôi tằm càng có cơ hội để phục hồi, phát triển. Thời đó, ở Quảng Ngãi hình thành công ty dâu tằm tơ, cơ sở đặt ở cánh đồng Dinh, huyện Nghĩa Hành để cung ứng cho dân hom dâu, trứng tằm và thu mua sản phẩm kén.

Ông Nguyễn Viết Như ( bên trái), ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đang cố gắng duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Lê Nam Kiều, ở thôn Phước An, xã Đức Hiệp nhớ lại, hồi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê, thấy bà con ở quê ngoại của mình vẫn trồng giống dâu sẻ lá nhỏ cho năng suất thấp, nên đã gửi tặng một toa tàu lửa chất đầy hom dâu giống ở Thái Bình. Có giống dâu mới bà con phấn khởi lắm. Nhà nhà cố gắng trồng dâu, nuôi tằm. Không chỉ ở xã Đức Hiệp, nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng được phục hồi ở vùng ven sông Vệ thuộc xã Hành Phước và trên vùng soi bãi ven sông Phước Giang thuộc các xã Hành Dũng, Hành Nhân (Nghĩa Hành).
Nhưng rồi, khi chuyển sang cơ chế thị trường, không chỉ ở Quảng Ngãi mà ngành dâu tằm trong cả nước gặp khó trong việc chế biến, xuất khẩu. Rồi cái gì đến cũng đã đến, Công ty dâu tằm tơ Quảng Ngãi giải thể. Người trồng dâu, nuôi tằm rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều người ngắm đồng dâu mà buồn. Có người cứ ôm chiếc radio nghe tin thời sự, hy vọng có nơi nào đó bao tiêu trái kén để mình có thể duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Mong cải thiện đầu ra cho trái kén
Rời xã Đức Hiệp, tôi tìm đến trang trại của ông Nguyễn Viết Như, ở bờ Bắc sông Vệ, thuộc thôn An Chỉ Đông, xã Hành Phước. Ông Như đang cùng vợ con hái lá dâu. Năm 1982, sau 5 năm chiến đấu ở chiến trường K, ông Như phục viên trở về quê đúng dịp địa phương đang chủ trương phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm. Thế là cựu chiến binh này xin nhận đất làm trang trại trồng dâu nuôi tằm rộng 1ha ở ven sông.
Đưa tôi ra bãi dâu xanh ngát, ông Như kể, ban đầu tôi trồng giống dâu ta. Sau đó là trồng giống dâu Sa Nhị Luân, xuất xứ từ Trung Quốc. Còn bây giờ thì trồng giống dâu lai lấy từ tỉnh Lâm Đồng. Giống dâu này cho năng suất cao, 1 sào trồng một năm thu được từ 600kg đến 1 tấn lá, cao gấp đôi, gấp ba so với trồng dâu sẻ. Còn giống tằm nuôi thì hiện do một cơ sở ở Bồng Sơn (Bình Định) cung ứng. Hồi trước nuôi tằm người nuôi phải bỏ công sức nuôi từ trứng, nở thành tằm con, nhưng bây giờ thì chỉ có hai công đoạn là nuôi tằm con và hái kén, nên thời gian rút ngắn hơn nhiều. Ông Như bảo rằng, nghề nào cũng có thăng, có trầm. Nhưng ngẫm ra, một năm thu được 9 hoặc 10 lứa kén. Nuôi 1,5 hộp tằm con. Mỗi hộp thu hoạch từ 40 - 60kg kén, như hiện nay với giá thu mua 180 - 200 nghìn đồng/kg. Tính ra thu nhập cũng khá. Chỉ mong là cơ sở thu mua duy trì được đầu ra cho trái kén để mình sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Tiết, ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) hy vọng nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ phục hồi trở lại.
Còn chị Phạm Thị Tiết, ở thôn An Chỉ Đông cũng đang sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Chị Tiết cho hay, hộ trồng dâu nuôi tằm ngày một giảm, chỉ còn 5 hộ mà thôi. Tôi luôn cố gắng để giữ nghề của ông bà để lại và mong thuận lợi hơn về việc bán sản phẩm. Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Đoàn Ngọc Hùng cho hay, để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, thông qua nhiều nguồn vốn, địa phương cũng đã đầu tư xây dựng đường bê tông, xây dựng trạm điện hạ thế để người dân có điện đóng giếng, lắp máy bơm phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm gặp khó nên qua từng năm diện tích trồng dâu thu hẹp và số hộ nuôi tằm cũng giảm. Bây giờ, toàn xã chỉ còn 15 hộ làm nghề nuôi tằm với diện tích trồng dâu giảm xuống chỉ còn 5ha. Trước thực tế này, địa phương chủ trương bảo tồn diện tích dâu và nghề nuôi tằm. Đồng thời chuyển nhiều diện tích sang trồng cây khác. Khi nghề trồng dâu, nuôi tằm thuận lợi thì sẽ phục hồi trở lại.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202504/khac-khoai-dau-tam-3150f38/