Khắc phục bất cập sau thời gian dài dạy học trực tuyến
Sau những tác động của dịch Covid-19 phải tạm dừng đến trường, hiện nay, phần lớn giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên cả nước đã dạy, học trực tiếp tại trường. Có điều sau thời gian dài học tập trực tuyến trong những điều kiện khó khăn, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh.
Việc dạy học trực tuyến tuy chỉ là giải pháp tình thế nhưng được thực hiện trong một thời gian dài đã gây ra những hệ lụy không tốt trong giáo dục.
Chất lượng dạy, học còn hạn chế
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Quảng Bình) cho biết, việc dạy học chỉ xoay quanh màn hình máy tính nên giáo viên không thể “áp” giáo án dạy trực tiếp mà phải đầu tư công sức, thời gian để chuẩn bị bài giảng gấp nhiều lần so với giờ học trực tiếp. Chưa kể, việc soạn giáo án điện tử với những thầy, cô giáo đã có tuổi rất vất vả do chưa tinh thông về công nghệ thông tin và máy tính, phải tự tìm hiểu nhiều phần mềm, ứng dụng.
Thầy giáo Lê Cường, Trường THCS Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, khi dạy học trực tuyến, giáo viên không thể bao quát lớp như dạy học trực tiếp, trong khi tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh cũng như làm việc nhóm bị hạn chế bởi yếu tố không gian và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh không đồng đều.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Cù Huy Hoàn, chất lượng học tập còn hạn chế do cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trực tuyến của các trường, giáo viên, học sinh đều thiếu thốn; đường truyền internet ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa bảo đảm.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, trong tổng số hơn 141 nghìn học sinh phổ thông, chỉ 36.092 em có thiết bị để học trực tuyến (chiếm hơn 25%). Ở cấp học tiểu học, THCS, nhiều học sinh chưa được tiếp cận, làm quen với máy tính, thiết bị di động thông minh, mạng internet... nên việc triển khai trong giai đoạn ban đầu gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đánh giá, môi trường trực tuyến đã làm cho học sinh ít có không gian vận động, không có điều kiện để hình thành những thói quen sinh hoạt chung hằng ngày như: nói chuyện, giao tiếp với bạn bè, hoạt động giáo dục ngoài trời... Trong khi giáo viên chỉ có thể theo dõi, quan sát trực tuyến dẫn đến một bộ phận học sinh thiếu ý thức đã lợi dụng thời gian học tập để chơi game, tham gia các trang mạng xã hội,... ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập và lâu dài sẽ hình thành nên những thói quen xấu ở các em học sinh.
Theo kết quả khảo sát ở một số địa phương về tình hình tổ chức dạy học trong bối cảnh Covid-19 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hơn hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục.
Cả nước có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, trong khi nhiều địa phương chưa bảo đảm các điều kiện đáp ứng yêu cầu phương pháp này, nhất là còn thiếu thiết bị; tình trạng quá tải đường truyền internet và cước phí internet cao còn phổ biến.
Trong khi đó, phần mềm thiếu đồng bộ ở các nhà trường; một số phần mềm có bản quyền, tính phí gây khó khăn cho người dạy và người học. Ngành giáo dục chưa cung cấp đầy đủ bài giảng điện tử cho tất cả các môn học; còn tình trạng giáo viên phải tự soạn học liệu để sử dụng, trong khi học liệu được tổ chức lưu trữ từ nhiều nguồn, khó kiểm soát chất lượng và khó khăn trong tra cứu, sử dụng. Công tác tập huấn giáo viên dạy học trực tuyến hiệu quả chưa cao.
Triển khai dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 mới chỉ bảo đảm thực hiện kế hoạch năm học, không bị gián đoạn, tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề đặt ra như chương trình giản lược; tính công bằng và chính xác trong thi, kiểm tra, đánh giá... Việc kéo dài hình thức dạy học trực tuyến đã tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học.
Cần kế hoạch cụ thể của ngành giáo dục
Khắc phục những bất cập sau thời gian dài dạy học trực tuyến rõ ràng cần có sự nỗ lực hơn nữa của toàn ngành giáo dục.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Cạn Đào Thị Mai Sen, để hỗ trợ, bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, củng cố bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường, nhất là những nội dung, chương trình đã dạy trực tuyến.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, phù hợp điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Lê Đình Thuần đề xuất khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, cần có khoảng thời gian để tổ chức ôn tập bổ sung lại kiến thức cho học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, ngành giáo dục sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tạo môi trường giáo dục tốt nhất, duy trì giảng dạy trực tuyến như một kênh phụ trợ tăng thêm kiến thức cho học sinh, ngay cả khi kiểm soát được dịch Covid-19.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1 chưa từng tới trường; tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường.
Các cơ sở giáo dục tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Việc tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cần phù hợp các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, qua kết quả khảo sát cho thấy ngành giáo dục cần chủ động hơn trong việc đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể và cụ thể dạy, học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Để mở cửa lại trường học an toàn còn có nhiều vấn đề đặt ra như: bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học cũng như bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và việc bổ sung kiến thức cho học sinh để bảo đảm chất lượng giáo dục...