Khắc phục bất cập trong quản lý, khai thác chợ

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn nhiều điểm tồn tại, như: Hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không bảo đảm; việc sắp xếp các ngành hàng trong chợ chưa hợp lý; hàng hóa bày bán lấn chiếm giao thông trong và khu vực xung quanh chợ… nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), cháy nổ, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục kịp thời.

Nguy cơ mất an toàn

Chợ Triển, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) có diện tích gần 6 nghìn m2, 64 gian hàng cố định. Dù được đầu tư, quản lý khá bài bản nhưng qua kiểm tra, chợ Triển vẫn còn những tồn tại như: Các quầy hàng sắp xếp thiếu khoa học; nhiều quầy hàng hoa quả bày bán dưới mặt đất, hàng thịt sống xen lẫn các hàng thức ăn chín… nguy cơ mất vệ sinh ATTP; nhiều tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm hành lang trong và ngoài chợ, gây mất mỹ quan và an toàn giao thông; bảng nội quy hoạt động của chợ bị che khuất; đặc biệt, hệ thống PCCC gồm: Bể cát, bể chứa nước, máy bơm, ống dẫn nước chưa đáp ứng yêu cầu...

 Người dân mua hàng trong chợ Thương.

Người dân mua hàng trong chợ Thương.

Đối chiếu với quy định tại các Nghị định của Chính phủ, gồm: Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 hướng dẫn Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi; Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, thì chợ Triển không bảo đảm điều kiện hoạt động. Ông Hà Đức Tùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái thừa nhận, do xã quá nhiều việc, lại thiếu nhân lực nên chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của chợ Triển.

Tìm hiểu tại chợ Thương (TP Bắc Giang), dù là chợ hạng I (theo quy định, chợ hạng I do Sở Công Thương quản lý, tuy nhiên chợ Thương đang hoạt động theo hợp đồng B.O.T nên UBND TP Bắc Giang đang trực tiếp quản lý) nhưng chợ này cũng còn một số hạn chế. Đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Thương thừa nhận, hiện việc sắp xếp các ngành hàng trong chợ chưa hợp lý; nhiều tiểu thương lấn chiếm hành lang giao thông nội chợ. Nhiều hạng mục như: Hệ thống thoát nước mái, mái tôn nhà chợ chính; rãnh thoát thải; nhà vệ sinh; hệ thống PCCC... xuống cấp. Khu vực xung quanh chợ, người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng tràn lan gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Theo Sở Công Thương, không chỉ các chợ nêu trên mà nhiều chợ trong tỉnh còn chưa xây dựng nội quy, phương án sắp xếp ngành nghề kinh doanh; tình trạng hoạt động không đúng phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh còn diễn ra. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ gặp nhiều vướng mắc. Một số chủ đầu tư dự án chợ chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh, khai thác, quản lý chợ, dẫn đến một số chợ đã xây dựng và hoạt động không đúng mục tiêu, công năng theo dự án được thẩm định, phê duyệt như: Chợ Quán Thành (TP Bắc Giang); chợ Cơ khí, thị trấn Chũ (Lục Ngạn); chợ Ngọc Vân, xã Ngọc Vân (Tân Yên)…

Đưa hoạt động quản lý, kinh doanh chợ vào nền nếp

Được biết, nguyên nhân những tồn tại nêu trên là do các cấp chính quyền, ngành chức năng được phân cấp quản lý, giám sát nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, thiếu triệt để. Người được giao quản lý nhưng thiếu kiến thức về lĩnh vực hoạt động chợ. Nhiều năm qua, phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, TP, Sở Công Thương không có báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động tại các chợ trên địa bàn (ngoài thống kê số chợ, diện tích, số gian hàng…).

Lý giải về điều này, đại diện Sở Công Thương cho biết, hiện có 8 bộ, ngành liên quan tham gia điều chỉnh các chính sách, phương hướng về phát triển và quản lý hoạt động chợ theo từng lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, việc quản lý các chợ được phân cấp cho chính quyền cấp huyện và xã (theo phân hạng chợ). Sở Công Thương chỉ quản lý chung về mặt nhà nước. Về báo cáo, theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003, chỉ khi Bộ Công Thương có hướng dẫn chế độ báo cáo hoạt động chợ cụ thể thì Sở mới xây dựng báo cáo gửi về Bộ. Tuy vậy, nội dung báo cáo cũng chỉ có những số liệu như đã nêu trên, việc đánh giá tình hình hoạt động rất sơ sài. Ngành Công Thương nhiều lần có ý kiến nhằm sửa đổi nội dung quy định về công tác báo cáo trong Nghị định số 02 nhưng Chính phủ vẫn chưa hồi âm.

Toàn tỉnh có 131 chợ, bao gồm: 1 chợ hạng I, 15 chợ hạng II, 115 chợ hạng III; 11.325 điểm kinh doanh hoạt động/16.363 tổng số điểm kinh doanh, trong đó có hơn 10 nghìn điểm kinh doanh cố định, hơn 15,3 nghìn lao động kinh doanh thường xuyên tại chợ.

Toàn tỉnh hiện có 49 trong tổng số 131 chợ chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý sang cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), chiếm tỷ lệ hơn 37,4%, cao hơn bình quân chung cả nước gần 20%.

Theo Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi thấp là do nhiều địa phương vẫn muốn giữ quyền quản lý để lấy nguồn thu từ chợ. Việc thiếu sâu sát trong quản lý và chậm chuyển đổi mô hình kinh doanh tại các chợ, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh ATTP, cháy nổ, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Khắc phục bất cập, tháng 4/2023, Sở Công Thương có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo, các huyện, TP đã triển khai rà soát công tác đầu tư xây dựng chợ; việc xây dựng nội quy hoạt động; phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh; các quy định có liên quan về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và ATTP... Hiện tại, TP Bắc Giang là đơn vị triển khai sớm nhất, dự kiến sẽ hoàn tất công tác kiểm tra trong tháng 7 tới. Được biết, BQL chợ Thương đang hoàn tất hồ sơ thiết kế cải tạo hệ thống PCCC, lưới điện… với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.

Để hoạt động quản lý, kinh doanh chợ vào nền nếp, ông Dương Văn Chiến, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho rằng, Bắc Giang cần tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý và tăng cường đào tạo nhân lực quản lý lĩnh vực chợ. UBND cấp xã cần vào cuộc mạnh mẽ, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, các tiểu thương buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường quanh chợ. Tiểu thương trong các chợ phải thực hiện “Văn hóa kinh doanh”, “Văn minh thương mại”, không lấn chiếm không gian chợ, đặc biệt, không vi phạm quy định PCCC trong chợ. Người dân phải thực hiện nếp sống văn minh, không mua, bán hàng rong, hàng tại những chợ cóc, chợ tạm...

Bài, ảnh: Hà Mi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/406226/khac-phuc-bat-cap-trong-quan-ly-khai-thac-cho.html