Khắc phục bất cập trong quản lý tốc độ phương tiện

Kiểm soát tốc độ phương tiện là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm, thương vong. Vấn đề quản lý tốc độ phương tiện đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề bất cập, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tốc độ phương tiện khi lưu thông giảm 5% thì sẽ giảm số vụ va chạm giao thông nghiêm trọng tới 30%. Tải trọng xe càng nặng, tốc độ càng cao thì hậu quả khi va chạm càng lớn. Do vậy, các loại xe có kích thước, tải trọng lớn như xe tải, xe khách thường giới hạn tốc độ lưu thông thấp hơn xe con trên cùng một tuyến đường. Tại một số quốc gia, vi phạm về tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, ước tính, khoảng 1/3 số vụ va chạm giao thông ở các quốc gia phát triển có liên quan đến tốc độ và tỷ lệ này ở các quốc gia đang phát triển lên tới 50%.

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: BẢO LINH

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: BẢO LINH

Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ cũng như quy định về xử phạt với hành vi vi phạm về tốc độ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quy định này còn một số vấn đề đặt ra. Theo GS, TS Từ Sỹ Sùa (Trường Đại học Giao thông vận tải), hiện nay, các tuyến đường có cắm biển hạn chế tốc độ nhưng các phương tiện dù là xe khách hay xe tải đều có thể chạy với tốc độ cao tương tự như xe con. Với đường cao tốc, tình trạng xe chạy tốc độ thấp đi sang làn vượt khiến các xe phía sau phải chuyển làn gây những nguy cơ về mất an toàn giao thông. Mặt khác, khu vực trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... hiện vẫn chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ khiến khả năng xảy ra va chạm giao thông rất cao, bởi những nơi này có rất nhiều người đi bộ.

Từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý tốc độ ở một số nước cho thấy, cần có quy định cụ thể về tốc độ và quy tắc sử dụng làn xe với các loại xe trên đường cao tốc. Trong đó, với đường có hai làn xe ở mỗi chiều, những xe đi trong điều kiện bình thường cần vào làn đường sát làn dừng khẩn cấp, xe cần vượt sẽ đi vào làn sát dải phân cách giữa. Với đường có 3 làn xe cho mỗi chiều, nên phân làn cho xe khách, xe tải lớn đi vào làn sát với làn dừng khẩn cấp, xe con đi ở làn giữa và làn sát dải phân cách dành cho xe cần vượt phương tiện khác.

Bên cạnh đó, khu vực có nhiều người đi bộ qua đường như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại thường bắt buộc lắp đặt đèn tín hiệu hoặc hạn chế tốc độ xuống 30km/giờ. Với các tuyến đường trong đô thị, khu vực đông dân cư, tốc độ cho phép thường giới hạn ở mức không quá 50km/giờ. Ý kiến của các chuyên gia giao thông cho rằng, Việt Nam cần cập nhật quy định về tốc độ, ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục xem xét giới hạn tốc độ và thời gian hoạt động của xe kích thước, tải trọng lớn khi di chuyển qua đô thị, khu vực đông dân cư để bảo đảm an toàn cho các phương tiện khác.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khac-phuc-bat-cap-trong-quan-ly-toc-do-phuong-tien-703897