Khắc phục bất cập trong vận hành công trình thủy lợi
Sau hơn 3 năm thực hiện, bộ Quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bộc lộ một số bất cập. Khắc phục những bất cập này không chỉ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành mà còn tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng duy trì, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố...
Đến nay, việc thực hiện bộ Quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá duy trì vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định 1752/QĐ-UBND ngày 16-3-2017 của UBND thành phố (bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752) tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi của thành phố được duy trì, bảo dưỡng thường xuyên hơn. Công nhân các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã có ý thức tiết kiệm chi phí điện năng, ghi chép nhật ký duy trì...
Bên cạnh mặt tích cực, bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752 đã bộc lộ một số bất cập. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Vũ Mạnh Hùng, quy trình quy định 6 tháng mới tổ chức vớt bèo, rác trên mặt kênh tưới, tiêu, mặt sông là không phù hợp. Bởi thực tế, tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt vào công trình thủy lợi, nhất là các tuyến kênh đi qua khu dân cư đang trở nên phổ biến; hơn nữa, đặc tính của bèo cũng phát triển rất nhanh. "Nếu thực hiện đúng bộ quy trình này thì các tuyến kênh sẽ không bảo đảm hiệu quả dẫn nước và tiêu nước...", ông Vũ Mạnh Hùng nói.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đặng Tuấn Hùng, bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752 quy định về thời gian kiểm tra vi phạm, thu gom rác, phế thải, xử lý các hư hỏng nhỏ khu vực bờ, mái kênh tưới, tiêu, bờ sông cũng không đủ để công nhân thực hiện các công việc. Cụ thể hơn, trong khoảng 48 phút làm việc, công nhân không thể hoàn thành nhiệm vụ quản lý 1km bờ kênh, bờ sông khi phải thực hiện đồng thời các công việc: Lập biên bản vi phạm; thu dọn rác, phế thải trên mái, bờ, hành lang kênh, sông; tu sửa các sụt sạt nhỏ...
Nêu những bất cập đang đặt ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Doãn Văn Kính cho biết, bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752 mới xác lập 12 đầu mục chi; trong khi Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 có tới 27 đầu mục chi. Hơn nữa, đơn giá duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu như hiện nay thành phố đang áp dụng được tính trên 1ha tưới nghiệm thu quy đổi ra lúa là không phù hợp. “Nếu áp dụng cách tính như hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi sẽ rất thiệt thòi...”, ông Doãn Văn Kính nói thêm.
Liên quan vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752 được xây dựng trước thời điểm ban hành Luật Thủy lợi và các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, bộ Quy trình, định mức, đơn giá 1752 bộc lộ những bất cập là điều dễ hiểu...
“Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng bộ quy trình, định mức, đơn giá mới để thay thế quy định hiện hành. Dự kiến trong năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ trên. Khi quy trình mới được ban hành, việc triển khai các bước đấu thầu công tác duy trì, vận hành công trình thủy lợi Hà Nội sẽ thuận lợi hơn...”, ông Chu Văn Tuấn thông tin.