Khắc phục bất cập trong xử lý vi phạm giao thông
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có nhiều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông nhưng lại chưa có chế tài, biện pháp xử lý đủ mạnh những hành vi được xác định là nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn, ùn tắc giao thông như: Sử dụng điện thoại khi lái xe, lái xe đi ngược chiều đường… Do đó, trong dự thảo (lần 2) Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến góp ý của người dân, Bộ Công an đã đề xuất những quy định nhằm hoàn thiện, khắc phục những bất cập đang đặt ra.
Tinh trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy gây mất an toàn giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Quang Thái
Nhiều bất cập trong thực tiễn
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, 9h sáng 9-6 tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Cát Linh, người tham gia giao thông bằng xe máy hầu hết đều đứng chèn vào vạch kẻ, vượt đèn đỏ. Tương tự, hơn 11h ngày 9-6 tại ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, có khá nhiều người vi phạm vượt đèn đỏ. Có người vừa đi đường vừa nghe điện thoại, đi ngược chiều... Cũng tại nút giao này, 17h ngày 9-6, dưới cái nắng hầm hập của mùa hè, trong vòng chưa đầy 10 phút, phóng viên quan sát được hàng chục trường hợp người điều khiển xe máy cố tình vượt đèn đỏ, đó là các xe mang biển kiểm soát: 29B1-5692; 29C1-27900; 30L6-6883; 29S6-74110...
Còn tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - đường Láng - Tây Sơn, 14h ngày 9-6, mặc dù đang tín hiệu đèn đỏ nhưng nhiều xe máy, xe chở hàng cồng kềnh cố tình đi chậm len lỏi vào dòng phương tiện đối diện để "tránh nắng". Chị Lê Huyền Anh, ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi thấy nhiều người điều khiển ô tô, xe máy chưa thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh đã đi qua nút giao dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc đường. Đặc biệt có, nhiều người mải mê nghe điện thoại, không tập trung nên vượt đèn đỏ mà không ý thức được mình đang vi phạm luật".
Không chỉ vậy, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tình trạng đi xe đánh võng, lạng lách; điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn… Một số trường hợp đã gây nên những tai nạn thương tâm, dư luận bức xúc.
Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 8 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông rất kém. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, những vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường, nghe điện thoại khi lái xe… diễn ra khá phổ biến nhưng mức xử phạt còn nhẹ, đồng thời lực lượng chức năng tập trung làm nhiệm vụ phân luồng giao thông nên rất khó để xử lý...
Chung nhận định, Đại úy Lê Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Thanh Xuân thông tin, 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã xử phạt 8.397 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều… Nhiều người khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra thì quay đầu xe bỏ chạy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Nhiều người tham gia giao thông điều khiển xe máy vừa đi ngược chiều vừa đi lên vỉa hè ở phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang
Theo Bộ Công an, để triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phải ban hành 164 văn bản dưới luật, đến nay có những văn bản hết hiệu lực, nhiều văn bản phải sửa đổi, thay thế, một số văn bản chưa ban hành được… Bên cạnh đó, có nhiều hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng chưa được xử lý đúng mức. Từ những nguyên nhân này, Bộ Công an đã đề xuất ban hành dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau một thời gian xây dựng, Bộ đã triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo luật này.
Nhận xét về dự thảo luật, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, dự thảo luật thay thế 7 nhóm nội dung chính, trong đó quy định cụ thể: Thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xác định rõ hơn cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp. Do đó sẽ tránh tình được trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Đặc biệt, tại Điều 6 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 31 hành vi bị nghiêm cấm. Khi hệ thống các quy định an toàn giao thông với các ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại được luật hóa sẽ giúp cho lực lượng chức năng dễ dàng và xử lý nghiêm những vi phạm.
Về vấn đề này, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm nhưng vẫn thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, chế tài chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, những điểm mới trong dự thảo luật sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất áp dụng các quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ.