Khắc phục bất cập về thủ tục hành chính hải quan, bảo đảm lưu thông hàng hóa

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt là công tác kiểm tra chuyên ngành, để bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa được liên tục, thông suốt.

Đây là vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh tại Phiên giải trình “Thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan”, do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 14/01.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Cơ sở thực tiễn phục vụ nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hải quan

Chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua 10 năm thi hành, Luật Hải quan đã đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính và cải cách TTHC nói chung, cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan nói riêng; tăng cường hiệu quả cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; góp phần bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, qua theo dõi, giám sát và phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy, việc thực hiện Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục; trong đó, việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan cũng còn một số vướng mắc, bất cập.

Các đại biểu tham dự Phiên giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu tham dự Phiên giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Phiên giải trình để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn phục vụ việc nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hải quan nói chung và TTHC trong lĩnh vực hải quan nói riêng; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan; làm rõ các yêu cầu, điều kiện cần thiết để tiếp tục đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành hải quan... - ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ

Tại Phiên giải trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng đã trình bày báo cáo việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được trong triển khai thi hành Luật Hải quan từ 01/01/2015 đến nay; về thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan. Đồng thời, trên cơ sở chỉ rõ những bất cập, hạn chế và nguyên nhân, Tổng cục Hải quan đã đưa ra những kiến nghị cụ thể về hoàn thiện chính sách, pháp luật; kiến nghị về tổ chức thực hiện trong thời gian tới...

Chú trọng xây dựng hải quan số, hải quan thông minh

Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt là công tác kiểm tra chuyên ngành, việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động hải quan để bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa được liên tục, thông suốt.

Cùng với đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra yêu cầu cần sớm nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Hải quan cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, về hệ thống thông quan điện tử VNACSS/VCIS và 20 hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh, về Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Hùng đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại Phiên giải trình. Nội dung giải trình tập trung làm rõ giải pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật; tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia; các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thực hiện thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; chia sẻ, kết nối thông tin giữa các Bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan Hải quan; việc kết nối hệ thống một cửa quốc gia với hệ thống của các Bộ đang thực hiện và hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan Hải quan.

Bên cạnh đó là việc chú trọng thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, xây dựng cửa khẩu thông minh; nâng cấp hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean trên nên tảng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin và xử lý thủ tục trên môi trường số...

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau Phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện kết luận của Ủy ban về nội dung giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi Chính phủ và các Bộ, ngành.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian tới tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hải quan năm 2014 để phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế - ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị.

Về giải pháp trước mắt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định số 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào những nội dung liên quan đến cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ thông tin, kiểm tra chuyên ngành, cấp phép, kiểm soát hàng hóa, kết nối trao đổi dữ liệu qua hệ thống một cửa quốc gia; công khai thông tin chia sẻ, có cơ chế phản hồi nhanh đối với những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, đối với những vấn đề còn bất cập trong luật chuyên ngành, các Bộ, ngành cần kịp thời đề xuất giải pháp để sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu rà soát ban hành các văn bản theo thẩm quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ bất cập, hạn chế trong lĩnh vực mình phụ trách.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khac-phuc-bat-cap-ve-thu-tuc-hanh-chinh-hai-quan-bao-dam-luu-thong-hang-hoa-37734.html