Khắc phục bồi lắng tại Khu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ: Yêu cầu cấp thiết!
Việc bố trí nguồn lực để khắc phục tình trạng bồi lắng tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ và Cảng cá Xuân Hội (Hà Tĩnh) là yêu cầu cấp thiết để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) có khả năng tiếp nhận 1.200 tàu cá các loại vào tránh trú bão. Khu neo đậu có 2 vùng, một khu dành cho tàu thuyền trên 90CV (trên 12m) và khu còn lại dành cho tàu dưới 90CV vào neo đậu.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, tuyến luồng vào khu neo đậu bị đã bị bồi lắng nghiêm trọng do tác động của thủy triều, dòng chảy trong khi nguồn lực duy tu, bão dưỡng, nạo vét định kỳ lại không có nên tình trạng luồng lạch vào khu neo đậu bị bồi lắng ngày càng nghiêm trọng.

Các tàu cá trên 12m ra vào hết sức khó khăn, chỉ khi nào thủy triều lên thì mới có thể vào ra. Vì vậy, nhiều năm trở lại nay, khu neo đậu vắng bóng tàu cá có công suất lớn, điều này khiến sản lượng hàng hóa thủy sản qua đây rất thấp trong khi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho tàu cá khi mùa mưa bão đến.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ngoài việc nạo vét tuyến luồng ra vào cảng thì cần thiết phải xây dựng tuyến đê chắn cát để đảm bảo ổn định của tuyến luồng. Nếu chỉ nạo vét mà không xây dựng đê chắn cát thì sau 3 năm tuyến luồng sẽ bồi lấp hoàn toàn.

Để đảm bảo mục tiêu đáp ứng yêu cầu tránh trú bão cho 500 tàu cá có công suất từ 250CV đến 600CV của địa phương và các vùng lân cận thì việc nạo vét khu nước và tuyến luồng, xây dựng công trình chỉnh trị (đê ngăn cát) là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dự án sẽ tiến hành nạo vét tuyến luồng dài khoảng 657,72 m, đáy rộng 50 m đến cao trình -4,6 m; xây dựng 2 tuyến đê chắn cát ở thượng lưu và hạ lưu tuyến luồng. Tổng nguồn vốn đầu tư là 106 tỷ, trong đó đã được bố trí 20 tỷ theo Quyết định 476/QĐ- TTg ngày 01/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Tĩnh cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung nguồn lực để xây dựng khu dịch vụ hậu cần tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ. Đi vào hoạt động khá lâu song khu neo đậu vẫn chưa có dịch vụ hậu cần, điều này khiến việc tiếp tế các nhu cầu hậu cần thiết yếu trong quá trình đánh bắt, bảo quản hải sản gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến công trình chưa phát huy tổng thể hiệu quả đầu tư.

Nếu được bố trí nguồn lực, khu dịch vụ hậu cần sẽ được xây dựng trên diện tích khu đất 10.000m2, đã có mặt bằng san lấp nền hoàn thiện, bao gồm các hạng mục: hàng rào, đường điện, hệ thống đường giao thông.

Cách khu neo đậu tránh trú không xa là Cảng cá Xuân Hội được đầu tư xây dựng từ 2008, hoàn thành năm 2013. Sau 12 năm hoạt động, với vị trí nằm bên bờ bồi sông Cả, chưa đầu tư công trình chỉnh trị (tuyến đê chắn cát) nên khu nước trước cảng và tuyến luồng ra vào đã bị bồi lắng hoàn toàn, không còn đảm bảo điều kiện cho tàu thuyền hoạt động.

Cảng được quy hoạch là cảng cá loại II, với năng lực 80 lượt tàu/ngày, cỡ tàu lớn nhất đến 600Cv, lượng thủy sản qua cảng 7.000T/năm. Theo Luật Thủy sản năm 2017, cảng loại II phải đáp ứng tiêu chí lượng hàng thủy sản qua cảng từ 15.000 tấn/năm trở lên.

Do vậy, để phát huy hiệu quả công trình Cảng cá Xuân Hội, đảm bảo công suất thiết kế theo quy hoạch, phục vụ hiệu quả cho ngư dân thì việc nạo vét và xây dựng tuyến đê chắn cát phía biển là cần thiết. Dự án sẽ tiến hành xây dựng tuyến đê chắn cát phía biển cho cảng và tiến hành nạo vét đồng bộ trong khu vực cảng.
Clip: Hiện trạng Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ.
Được biết, ngày 7/6, UBND tỉnh đã có Văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng về xin ý kiến hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 7 dự án sử dụng nguồn kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. 3 hạng mục: Nạo vét, chính tuyến luồng vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ; Xây dựng khu dịch vụ hậu cần Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ; Nạo vét Cảng cá Xuân Hội và xây dựng tuyến đê chắn cát phía biển đều nằm trong danh sách với tổng mức đề xuất đầu tư 3 dự án là 311 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận báo cáo chủ trương đầu tư sẽ là tín hiệu tích cực để các dự án sớm được triển khai, qua đó giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.