Khắc phục hậu quả lũ lụt ở các xã miền Tây Vĩnh Linh
Gần hai tháng sau khi các trận lũ lớn đi qua, chính quyền và Nhân dân 3 xã miền Tây huyện Vĩnh Linh đang khẩn trương khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Những cung đường bị chia cắt đang được khẩn trương tu sửa, những chiếc cầu bị lũ cuốn trôi đã được thay thế bằng cầu tạm để người và phương tiện lưu thông… Tuy vẫn còn bộn bề khó khăn, thách thức, nhưng sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã miền Tây Vĩnh Linh trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt, từng bước phát triển kinh tế, ổn định đời sống là rất đáng ghi nhận…
Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đi thêm chừng 30 km nữa trên những cung đường cheo leo, hiểm trở mới có thể đến được xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Được biết, trong 3 xã miền núi phía Tây của huyện, Vĩnh Ô là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất sau lũ. Dẫn chúng tôi đi xem những điểm hư hại, sạt lở, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Mưa lớn kéo dài khiến nước bất ngờ lên nhanh, gây ngập lụt ở nhiều thôn bản. Tuy không có thiệt hại về người song cơ sở hạ tầng của xã lại bị hư hại nặng nề, các tuyến đường bị chia cắt bởi nước lũ, cầu tràn liên hợp tại thôn Thúc và thôn Cây Tăm cũng bị cuốn trôi. Trong những ngày đó, các phương tiện giao thông đều không sử dụng được, người dân trong xã chỉ còn cách đi bộ, nhiều địa bàn bị chia cắt”...
Trước mắt chúng tôi, cảnh tượng hoang tàn sau lũ tại xã Vĩnh Ô vẫn còn hiện hữu. Những bờ kè nứt toác, dưới áp lực của dòng lũ lớn có chỗ thậm chí còn vỡ rộng ra. Không những thế, hầu hết các bờ sông trong xã đều bị sạt lở nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy của nước. Trên bờ, rác và củi bị nước lũ cuốn nằm ngổn ngang, biển báo tên cầu bị quật đổ nghiêng ngả; các mố cầu dân sinh, đường ống dẫn nước về ruộng bị lũ tràn về cuốn trôi… Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết thêm: “Không chỉ cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng mà đời sống, sản xuất của người dân sau lũ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do gần một nửa diện tích đất trồng lúa bị bùn đất bồi lấp nặng, chưa thể trồng trọt lại được. Nếu như trước đây toàn xã có khoảng 45 ha diện tích đất trồng lúa thì đến nay chỉ còn chừng 25 ha canh tác được thôi”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mưa lũ liên tiếp, kéo dài vừa qua đã gây ra thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế, cầu đường giao thông, công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp của 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Ước tính tổng thiệt hại lên đến trên 70 tỉ đồng, trong đó xã Vĩnh Ô chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 30 tỉ đồng. Toàn xã Vĩnh Ô hiện có 367 hộ với 1.383 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm khoảng 96%. Đời sống người dân vốn gặp nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi núi đồi, sông suối nay lại càng vất vả hơn sau lũ lớn.
Để sớm ổn định cuộc sống của Nhân dân 3 xã, chính quyền các cấp đã khẩn trương đề ra nhiều giải pháp và triển khai khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trước tiên để nối lại tuyến giao thông bị chia cắt, UBND huyện phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh lắp cầu tạm kết nối giao thông lên xã Vĩnh Ô. Sau thời gian ngắn tích cực thi công, ngày 5/11/2020, cầu tràn liên hợp có thiết kế dài 36 mét, rộng 4 mét đã được hoàn thành. Hôm chúng tôi đến xã Vĩnh Ô, bên cạnh một số đoạn đường, cầu dân sinh đã được sửa chữa xong, số đoạn còn lại đang được các lực lượng chức năng gấp rút tu sửa. UBND huyện Vĩnh Linh cũng đã chỉ đạo nâng cấp 2 đập thủy lợi và đào 9 giếng nước sạch tại thôn Cây Tăm, thôn Thúc, xã Vĩnh Ô nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân; tập trung sửa chữa nhà cửa cho người dân và các công trình trường học, trạm y tế... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ giống cây trồng, giống rau, gà giống, cấp 29 con trâu, bò giống cùng 39.000 bầu giống tràm cho 11 bản thuộc 3 xã. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và sẽ được huyện tích cực triển khai trong thời gian tới là tiếp tục chương trình “Giảm nghèo bền vững cho 11 thôn bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà”. Trong đó đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tạo sự chuyển biến trong thu hút kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Tính riêng trong năm 2020, về cơ sở hạ tầng, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện nguồn vốn đầu tư phát triển cho 3 xã với gần 12,4 tỉ đồng; nguồn vốn chương trình 134, 135 là 7,1 tỉ đồng; nguồn vốn đề án giảm nghèo cho 11 bản là gần 4 tỉ đồng... Những năm trở lại đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của các xã miền Tây Vĩnh Linh tăng lên đáng kể. Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đã hình thành. Tỉ lệ hộ nghèo của 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê giảm bình quân 6,24%/năm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154189