Khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng tái đàn vật nuôi

Theo thống kê chưa chính thức, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 trang trại và nhiều hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Toàn tỉnh có hơn 329 nghìn con gia cầm, trên 820 con lợn bị chết do lũ cuốn. Thiệt hại là vậy nhưng người chăn nuôi không nản lòng. Tranh thủ thời tiết có nắng, bà con nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa chuồng trại. Dù vất vả nhưng dự kiến từ 1 đến 2 tháng nữa (tùy vào mức độ thiệt hại của từng trang trại), hoạt động chăn nuôi của bà con sẽ được tái khởi động.

Nhân viên thú y xã Nga My (Phú Bình) phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi của hộ dân. Ảnh: Phan Trang

Nhân viên thú y xã Nga My (Phú Bình) phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi của hộ dân. Ảnh: Phan Trang

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), nơi có hơn 80 trang trại chăn nuôi (chủ yếu là gà) thì có đến 39 trang trại bị ảnh hưởng do ngập lụt. Gia đình ông Ngô Đức Việt, ở xóm Vải, có hơn 10 năm chăn nuôi gà quy mô trạng trại, là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề, đợt lũ vừa qua đã làm chết 1 vạn con gà đang chuẩn bị được xuất bán. Nước rút đi, chuồng trại của gia đình tan hoang, bùn đất ngập cao hơn mắt cá chân.

Ông Việt cho biết: Thiệt hại về tài sản của gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng, thiệt hại về đàn gà là trên 700 triệu đồng. “Của đau con xót”, nhưng nếu cứ ngồi đó mà tiếc nuối thì cũng không thể bù đắp được thiệt hại. Vì vậy, vợ chồng tôi động viên nhau nỗ lực khắc phục, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, làm mới lại chuồng trại để nhanh chóng tái đàn. Việc khắc phục hậu quả tuy khó khăn nhưng tôi tin 2 tháng nữa là chuồng trại sẽ được hoàn thành để vào lứa gà mới…

Những ngày này, nhiều hộ dân trong tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ để nhanh chóng tái đàn vật nuôi. Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế (gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết, trôi, chuồng trại tốc mái, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bị hỏng), mưa lũ còn gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài (do nước ngập, bùn, rác, xác động vật...) dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu về chăn nuôi và thủy sản theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

Gia đình ông Ngô Đức Việt (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị khôi phục chăn nuôi gà.

Gia đình ông Ngô Đức Việt (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị khôi phục chăn nuôi gà.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau ngập lụt, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh và dụng cụ chăn nuôi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khu vực chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tại vùng bị ngập lụt để hướng dẫn người dân tiến hành chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ; kiểm tra tại các hồ, đập, sông, suối, kênh mương, kịp thời phát hiện tình trạng vứt xác động vật ra môi trường. Đặc biệt là đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2 năm 2024 cho đàn vật nuôi; tích cực giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc...).

Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại về chăn nuôi để có giải pháp khắc phục phù hợp; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh động vật theo quy định để người dân kịp thời khôi phục sản xuất.

Hiện nay, nhiều hộ dân bị thiệt hại nhẹ, sau khi hoàn thành việc vệ sinh môi trường, sửa chữa chuồng trại đã rục rịch tái đàn vật nuôi. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để tái đàn...

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202409/khac-phuc-hau-qua-mua-lu-nhanh-chong-tai-dan-vat-nuoi-5772599/