Khắc phục hậu quả thiên tai: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt

BHG - Từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, đá khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hại, gây ách tắc giao thông và hàng trăm ngôi nhà bị sạt lở hoặc đứng trước nguy cơ mất an toàn, buộc phải di dời khẩn cấp. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và sớm ổn định đời sống nhân dân.

Nối huyết mạch giao thông

Chỉ trong ngày 13 và sáng 14.7, mưa lớn gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường, bao gồm cả đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã và đường liên thôn. Tại Km 10+950 Quốc lộ 34, đoạn qua địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định (Bắc Mê), hơn 21.000 m3 đất, đá từ taluy dương sạt xuống vùi lấp toàn bộ mặt đường với chiều dài khoảng 150 m, chiều cao 15 m, chiều rộng 20 m, khiến giao thông tê liệt suốt hơn 30 giờ đồng hồ. Vụ sạt lở cũng lấy đi sinh mạng của 11 người dân đến từ các địa phương trong, ngoài tỉnh và làm 4 người khác bị thương. Vị trí Km 10+950 có địa hình dốc, phức tạp, nước vẫn chảy từ trên núi xuống, gây ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm nạn nhân xấu số và thông tuyến. Thế nhưng, với tinh thần khẩn trương, không quản thời tiết mưa, nắng, lực lượng chức năng đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện hoàn thành công tác tìm kiếm cứu nạn và thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Xã Tân Lập huy động “4 tại chỗ” khắc phục những tuyến đường bị sạt lở. Ảnh: T. Phương

Xã Tân Lập huy động “4 tại chỗ” khắc phục những tuyến đường bị sạt lở. Ảnh: T. Phương

Đối với Quốc lộ 4, có 2 vị trí taluy dương sạt lở, ước tổng thiệt hại lên đến hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tại Km 347+150, đoạn qua xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) bị xói lở nền, mặt đường với khối lượng hơn 3.600 m3, gây đứt gãy khoảng 30 m chiều dài mặt đường, chiều rộng trung bình 12 m, sâu 10 m khiến giao thông ách tắc. Các tuyến tỉnh lộ: Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm; Yên Bình - Cốc Pài (ĐT.178) có hàng chục điểm sạt lở taluy dương với khối lượng từ 1.300 - 1.500 m3 trên vị trí sạt lở. Ngoài ra, tuyến đường huyện từ Km 55 (đường Bắc Quang - Xín Mần) đi xã Bản Nhùng - Tả Sử Choóng - Bản Péo (Hoàng Su Phì) bị sạt lở mặt đường với chiều dài lên đến 40 m, sâu 15 m làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của nhân dân.

Sạt lở tuyến đường Cốc Pài đi Pà Vầy Sủ (Xín Mần) với khối lượng gần 1.000 m3 đất, đá

Sạt lở tuyến đường Cốc Pài đi Pà Vầy Sủ (Xín Mần) với khối lượng gần 1.000 m3 đất, đá

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Cù Duy Man cho biết: “Đối với tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện thuộc thẩm quyền quản lý, Sở đã chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, đá để xây dựng phương án xử lý, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, ứng phó với sự cố thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng kịp thời triển khai công tác khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hót, dọn các điểm bị sạt lở taluy dương, đất bùn tràn mặt đường, khơi thông hệ thống thoát nước, đặt rào chắn, biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Riêng với vị trí đứt gãy nền đường tại Km 347+150 quốc lộ 4, Sở đang nghiên cứu giải pháp bảo đảm giao thông tạm thời. Còn việc khắc phục, do không thuộc thẩm quyền quyết định nên Sở đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và Cục Đường bộ Việt Nam sớm ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo”.

Riêng huyện Xín Mần, ít nhất 10 tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở trên 26 điểm với khối lượng hơn 850 m3, có những vị trí ô tô không thể lưu thông được. Trước thực tế đó, các địa phương đã huy động “4 tại chỗ” nỗ lực thông tuyến. Còn tại xã Tân Lập (Bắc Quang), Chủ tịch UBND xã, Tống Xuân Ngự cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, các tuyến đường giao thông tại 8/8 thôn đều bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 8.700m3. Sáng 14.7, chúng tôi đã huy động 5 máy xúc và hơn 100 đoàn viên, thanh niên cùng nhân dân khắc phục nhằm đảm bảo giao thông thông suốt”.

Cấp bách thực hiện phương án di dời dân cư

Năm nay, tình hình thiên tai, bão lũ trên địa bàn tỉnh càng trở nên nghiêm trọng hơn so với mọi năm trước. Những cơn mưa đêm nặng hạt rơi như trút nước đã khiến cho cuộc sống của người dân vùng khó nay lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chỉ trong phút chốc ngắn ngủi, nhiều gia đình cha, mẹ mất con, ông, bà mất cháu, mất người thân. Hàng trăm căn nhà nơi để che nắng, che mưa bị đất, đá sạt lở, vùi lấp, sập đổ theo dòng nước lũ. Trước tình thế cấp bách, dù trong điều kiện hết sức khó khăn, từ tỉnh đến các địa phương đã dốc sức triển khai nhanh nhất, kịp thời nhất mọi phương án để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Sạt lở đất nghiêm trọng làm 13 hộ dân thôn Quyết Tiến, xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) di dời nhà khẩn cấp

Sạt lở đất nghiêm trọng làm 13 hộ dân thôn Quyết Tiến, xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) di dời nhà khẩn cấp

Bên cạnh công tác mọi khắc phục khác, việc di dời khẩn cấp dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở cao và đã xảy ra sạt lở được các huyện coi là khâu trọng yếu và đặt lên hàng đầu. Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Mưa lũ liên tiếp hoành hành tại địa phương, gây ảnh hưởng 150 nhà ở của các hộ dân. Trong đó, có 50 nhà phải di dời khẩn cấp khỏi vùng xung yếu. Thiệt hại về nhà ở trên 1,3 tỷ đồng. Xã Tả Sử Choóng và xã Bản Nhùng là 2 địa bàn có số hộ dân di dời nhiều nhất. Đa số bà con về ở tạm nhà người thân, vật dụng, tài sản, lúa, thóc, vật nuôi đã được chuyển đi. Đời sống của các gia đình tạm thời ổn định. Để bà con yên tâm lao động sản xuất, dựng nhà nơi ở mới sau mùa mưa lũ, huyện đã lên phương án bố trí nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho 50 hộ vừa sập nhà, vừa nằm trong diện di dời 30 triệu đồng/hộ theo định mức hỗ trợ của tỉnh”.

Xã Tả Sử Choóng là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Chịu ảnh hưởng trực tiếp trong những đợt thiên tai vừa qua, xã Tả Sử Choóng có 13 hộ, đồng bào dân tộc Tày ở thôn Quyết Tiến đã được di dời. Nhờ sự chung tay, góp sức của lực lượng dân quân, bà con thôn xóm, các hộ đã chuyển về nhà người thân hoặc ở tạm trên lán trại của mình. Ông Vàng Pồ Trường, người dân trong thôn chia sẻ: “Trước đó, trận mưa to vào tối 7.7 đã khiến bản làng mất đi một đứa cháu nhỏ, còn nhà tôi ở cuối xóm bị sập hoàn toàn. Hiện gia đình tôi đã mượn đất của bà con dựng tạm lán để ở. Đường đi vào thôn rất vất vả, đất, đá lởm chởm do sạt lở và chỉ đi bộ được, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ xã đang đến từng hộ dân có đất để vận động hiến cho những gia đình phải di dời, giúp chúng tôi có đất làm nhà mới ở nơi an toàn”.

Các lực lượng và người dân xã Nấm Dẩn (Xín Mần) hỗ trợ hộ ông Lù Văn Sơn, thôn Nấm Dẩn di dời khẩn cấp. Ảnh: M. LAN

Các lực lượng và người dân xã Nấm Dẩn (Xín Mần) hỗ trợ hộ ông Lù Văn Sơn, thôn Nấm Dẩn di dời khẩn cấp. Ảnh: M. LAN

Đối với huyện Xín Mần, do nền địa chất yếu, chủ yếu là đất, đá pha cát nên nhiều khu vực thường xuyên mưa lớn cũng bị sạt lở rất nặng. Mưa lũ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thiệt hại về nhà ở, lúa, hoa màu, ao nuôi thủy sản, các tuyến đường giao thông. Đến thời điểm này, huyện đã kiên quyết vận động, di dời 26 hộ bị sạt lở nhà và hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn cũng như xây dựng phương án hỗ trợ cho người dân làm nhà ở mới theo quy định. Sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của địa phương cùng với tinh thần chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin cảnh báo mưa lũ của người dân, rất may huyện không có thiệt hại về người do sạt lở đất, đá vào nhà ở - đồng chí Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết.

Đối mặt với thiên tai chồng chất, nhọc nhằn trong bão lũ, những nơi vùng khó của tỉnh đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa bão để lại. Trong điều kiện cấp thiết, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả tỉnh, những tấm lòng nhân ái, thảo thơm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân vẫn đang hướng về vùng lũ để động viên, giúp đỡ người dân sớm vượt qua đau thương, mất mát, vực dậy ổn định cuộc sống. Song sự khắc nghiệt của thiên tai vốn không thể nói trước được điều gì, ngoài lực lượng thường trực, mỗi người dân cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động ứng phó với nguy cơ bão lũ trong thời tiết bất thường.

T.PHƯƠNG - M.LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/khac-phuc-hau-qua-thien-tai-quyet-tam-cao-no-luc-lon-hanh-dong-quyet-liet-a4d466b/