Khắc phục khó khăn đầu vụ, bảo đảm an toàn cho các trà lúa mùa phát triển

Vụ mùa năm 2024, ngay khi bước vào gieo cấy, nông dân gặp nhiều khó khăn do mưa to bất thường và kéo dài. Nhiều diện tích vừa gieo cấy xong bị ngập, úng phải gieo cấy lại dẫn đến phân kỳ thành các trà lúa khác nhau. Trong khi đó, theo dự báo của ngành chức năng, thời tiết những ngày tới tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh xuất hiện, gây hại, nhất là rầy sẽ nở rộ với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh lùn sọc đen, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa mùa. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển.

Nông dân xã Thành Lợi (Vụ Bản) chuẩn bị phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa năm 2024.

Nông dân xã Thành Lợi (Vụ Bản) chuẩn bị phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa năm 2024.

Mặc cho thời tiết oi nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao nhưng Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) Nguyễn Văn Dự vẫn thường xuyên “bám ruộng”, liên tục có mặt trên những cánh đồng để kiểm tra lúa nhằm phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh xuất hiện, gây hại để thông tin cho bà con xã viên tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Vừa kiểm tra từng hàng lúa, anh Dự vừa cho biết: Thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên chúng tôi phải liên tục phân công nhau bám đồng ruộng kiểm tra, nắm tình hình lúa mùa sinh trưởng, phát triển, nhất là nguy cơ sâu, bệnh hại phát sinh. Nếu xuất hiện các dấu hiệu sâu bệnh hại mới “vượt ngưỡng” thì ngay lập tức thông báo trên hệ thống loa truyền thanh và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Nhờ đó, đến nay toàn bộ các trà lúa mùa của HTX đều phát triển tốt, an toàn, không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Nét mới trong sản xuất vụ mùa năm nay của HTX là diện tích cấy lúa mùa sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc tăng đáng kể khi người dân được tham gia dự án tập huấn công nghệ xử lý rơm, rạ làm phân hữu cơ do Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), HTX tổ chức. Người dân đã hiểu những mặt trái của việc lạm dụng phân bón vô cơ như gây chai đất, sinh trưởng của cây trồng bị ảnh hưởng, tính chống chịu, thích ứng với thời tiết, khả năng kháng sâu bệnh giảm sút…

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT): Giai đoạn đầu vụ ảnh hưởng mưa lớn gây ngập úng nên nhiều diện tích phải cấy, sạ lại, do đó sâu bệnh phát sinh không đồng đều giữa các trà lúa. Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 ra rải rác, lứa kéo dài, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và hình thành 2 cao điểm. Cụ thể, cao điểm 1, sâu phân bố tập trung trên diện tích lúa gieo cấy trước ngày 12/7, ít bị ảnh hưởng bởi ngập úng. Mật độ trứng và sâu non phổ biến 50-70 con + quả trứng/m2, nơi cao 150-200 con + quả trứng/m2, cục bộ 300-400 con và quả trứng/m2. Cao điểm 2, sâu non nở rộ từ ngày 2 đến 6/9 và phân bố chủ yếu trên diện tích lúa gieo cấy sau ngày 12/7 do bị ảnh hưởng nặng bởi mưa to, kéo dài gây ngập úng; mật độ sâu phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, cục bộ có nơi trên 300 con/m2. Theo đồng chí Trần Đức Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa mùa. Rầy lứa 5 bắt đầu nở, mật độ phổ biến 200-300 con/m2, nơi cao 1.500-2.000 con/m2. Rầy lứa 5 sẽ nở rộ từ 25/8 đến 5/9, mật độ phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 2.000-3.000 con/m2, cục bộ trên 5.000 con/m2. Mật độ sâu đục thân 2 chấm nơi cao 0,2-0,5 con/m2, cục bộ 2-3 con/m2, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 1-5%, nơi cao 15-20%. Mức độ gây hại tương đương cùng kỳ năm trước. Bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Ngoài ra, lúa cỏ (lúa ma, lúa dại) cũng đang tiếp tục phát sinh và gây hại.

Trước tình hình trên, để đảm bảo chăm sóc, bảo vệ tốt các trà lúa mùa, Sở NN và PTNT đề nghị UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân kiểm tra đồng ruộng, tự phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp, lưu ý không bón phân urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn... Các địa phương chủ động phối hợp với các công ty thủy nông theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động điều tiết nước mặt ruộng, tổ chức các phương án tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng thấp, trũng; sẵn sàng huy động mọi lực lượng, phương tiện máy bơm để chống úng cho lúa khi có mưa lớn xảy ra. Tổ chức 2 đợt cao điểm phun trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa, bao gồm: Cao điểm 1 từ ngày 25 đến 30/8 phun trừ sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu trên trà lúa gieo cấy trước ngày 12/7, ít bị ảnh hưởng ngập úng; cao điểm 2 trên trà lúa gieo cấy sau ngày 12/7 tập trung từ ngày 2 đến 6/9 cho diện tích có mật độ sâu lớn hơn 20 con/m2; sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, nếu sau 5 ngày phun thuốc, kiểm tra nếu mật độ sâu còn sống trên 50 con/m2 cần phải phun lại. Đồng thời kết hợp phun trừ rầy lứa 5 cho những diện tích có mật độ rầy trên 30 con/khóm (tương đương 1.000 con/m2). Khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) thì chú ý phun trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 4 cho những diện tích có mật độ ổ trứng trên 0,2 ổ/m2; nơi có mật độ ổ trứng lớn hơn 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa thấp thó trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày), nhất là những trà lúa trỗ bông vào thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 và những nơi có nguồn sâu cao; sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole, hoạt chất Chlofenapyr.

Thực hiện hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, hiện nay các địa phương đang tích cực giám sát và chủ động tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả các loại dịch hại. Phát động nông dân, các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng, lúa cỏ và cỏ dại. Tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra thị trường cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng. Đồng chí Nguyễn Thị Hiên, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên cho biết: Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các xã, thị trấn tăng cường công tác dự tính, dự báo, quản lý dịch hại cây trồng và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân bón đúng, chủ động phòng ngừa rầy, bệnh lùn sọc đen; tiếp tục diệt chuột, ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công. Triển khai rà soát, thống kê diện tích bỏ ruộng hoang, mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cơ cấu giống lúa vụ mùa 2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Các ngành chức năng, các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với điều kiện sản xuất và thực trạng dàn lúa để đảm bảo hơn 72 nghìn ha lúa mùa sẽ sinh trưởng tốt, an toàn, tạo tiền đề giành vụ lúa mùa thắng lợi.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/khac-phuc-kho-khan-dau-vu-bao-dam-an-toan-cho-cac-tra-lua-muaphat-trien-3f324f1/