Khắc phục khó khăn đưa âm nhạc, mỹ thuật vào trường học

Dù còn nhiều khó khăn, các trường ở Hà Nội đang nỗ lực đưa môn Nghệ thuật vào giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Học sinh Trường THPT Việt Đức biểu diễn trong Liên hoan hợp xướng học sinh phổ thông Hà Nội năm 2024. Ảnh: Lan Anh

Học sinh Trường THPT Việt Đức biểu diễn trong Liên hoan hợp xướng học sinh phổ thông Hà Nội năm 2024. Ảnh: Lan Anh

Giúp học sinh giải tỏa áp lực

Không chỉ đạt thành tích cao trong học tập, học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn xuất sắc với hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, học sinh nhà trường liên tiếp đoạt giải cao tại Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội năm 2023 và Liên hoan hợp xướng học sinh Hà Nội năm 2024.

Lần đầu tiên được tổ chức, Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Xây dựng văn hóa học đường Thủ đô” với sự góp mặt của 34 ban nhạc đến từ 30 trường THPT. Gây ấn tượng mạnh ở vòng sơ khảo qua hai bài hát “Lá cờ” và “Hà Nội trà đá vỉa hè”, ban nhạc 05UG Trường THPT Việt Đức tiến vào chung kết và giành vị trí quán quân.

Phạm Minh Tâm - thành viên ban nhạc 05UG cho biết: “Chúng em rất vui khi giành giải Nhất tại liên hoan. Sân chơi này giúp mỗi thành viên giải tỏa áp lực sau những giờ học căng thẳng; được giao lưu với bạn bè chung niềm đam mê âm nhạc trong thành phố, đồng thời rèn luyện những kỹ năng biểu diễn nghệ thuật.

Việc thành lập ban nhạc, không phải vì mục tiêu dự liên hoan. Ở đây tập hợp những bạn trẻ cùng đam mê để cùng luyện tập, biểu diễn ở các sự kiện lớn của nhà trường. Có thể kể đến như các dịp 20/11, Noel, mừng năm mới.

“Thời điểm này, nhiều thành viên đã ra trường, song nhóm nhạc vẫn duy trì nhờ sự đồng điệu về sở thích, gu âm nhạc và đam mê. Các bạn luôn sẵn sàng trở về hỗ trợ CLB nghệ thuật nhà trường gây dựng tiết mục biểu diễn hoặc nhóm nhạc cho các hoạt động chung cũng như kỳ liên hoan tiếp theo”, Tâm chia sẻ.

Để tạo phong trào văn nghệ sôi nổi trong nhà trường không thể thiếu vai trò của môn Nghệ thuật theo Chương trình GDPT 2018. Dù năm học đầu tiên chưa thể triển khai nhưng Trường THPT Việt Đức đã có 1 năm chạy nước rút để đưa môn học này vào giảng dạy. Từ năm học 2023 - 2024, nhà trường bắt đầu mở lựa chọn cho các bạn đam mê nghệ thuật, đặc biệt âm nhạc.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, nhiều học sinh của trường có năng khiếu âm nhạc. Bởi vậy, lớp học nghệ thuật sẽ mở ra sân chơi giúp các em thấy thực sự thoải mái, mang lại giây phút thư giãn.

Năm học trước, nhà trường chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên nhưng chưa triển khai vì cơ sở vật chất còn thiếu. Năm nay, mọi thứ sẵn sàng với phòng ốc rộng rãi, nhiều nhạc cụ được trang bị. Khuôn viên thoáng rộng, trang bị nhiều loại nhạc cụ phù hợp yêu cầu dạy học bộ môn đã đáp ứng nguyện vọng đa dạng của học sinh.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học âm nhạc. Ảnh: Lan Anh

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học âm nhạc. Ảnh: Lan Anh

Nỗ lực để học sinh học nghệ thuật

Tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất, Hà Nội), học sinh học các môn Nghệ thuật ngay từ năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện, các em cơ bản nắm được lý thuyết nhạc lý và có thể chơi ít nhất một nhạc cụ.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nghiêm Hồng Trung, để có thể dạy môn Nghệ thuật đòi hỏi chuẩn bị công phu trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Vượt qua nhiều khó khăn, nhà trường đã có kế hoạch, lộ trình triển khai giảng dạy các môn học này.

Theo thầy Trung, đa phần các trường THPT được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, có phòng chức năng nhưng chỉ đáp ứng được yêu cầu về giáo dục theo chương trình cũ. Đối với môn Âm nhạc theo chương trình mới đòi hỏi phải thiết kế riêng, trang bị đầy đủ nhạc cụ.

Việc tuyển giáo viên dạy môn học này đặt ra cho các nhà trường vấn đề không dễ giải quyết. Trong đợt tuyển dụng năm 2023, Hà Nội có 84 chỉ tiêu môn Âm nhạc nhưng chỉ tuyển được 22 giáo viên. Do đó, hiện nay, cấp THPT trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 30 trường triển khai giảng dạy bộ môn này.

Để khắc phục khó khăn, nhà trường có sáng kiến tổ chức dạy học online đối với môn Âm nhạc. Theo đó, trường nhờ các giảng viên nghệ thuật đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giảng dạy trực tuyến cho học sinh kiến thức lý thuyết. Trong các tiết học luyện tập, thực hành, học sinh học trực tiếp tại trường nhằm hỗ trợ và giải đáp vấn đề luyện tập.

Bên cạnh học kiến thức được quy định trong khung chương trình của Bộ GD&ĐT, học sinh thực hành trên nhạc cụ là sáo trúc hoặc đàn guitar. Sau mỗi buổi học, các em sẽ làm bài tập do giáo viên giao rồi đăng lên nhóm Facebook được nhà trường quản lý.

Giáo viên dạy sẽ sửa riêng cho từng em. Tất cả học sinh được kiểm tra bài một cách xác thực nhất mà không lo gián đoạn đường truyền. Giáo viên cũng có dữ liệu là các clip để báo cáo, đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Phòng âm nhạc của nhà trường phục vụ học sinh tập luyện 2 buổi mỗi tuần. Với học sinh không có điều kiện mua sắm nhạc cụ được nhà trường cho mượn. Nhà trường cũng trang bị cho phòng âm nhạc 50 cây sáo ngang, 40 đàn guitar, ngoài ra còn có đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, sáo mèo, đàn piano, trống… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập.

“Qua 2 năm triển khai, học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan đã bắt nhịp tốt với chương trình và rất hào hứng khi được học môn Nghệ thuật. Môn học này giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa, đồng thời phát hiện năng khiếu, từ đó có định hướng nghề nghiệp trong tương lai”, thầy Trung chia sẻ.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-kho-khan-dua-am-nhac-my-thuat-vao-truong-hoc-post673536.html