Khắc phục khó khăn, duy trì tăng trưởng
Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nước ta đối diện với nhiều khó khăn, bất lợi khó lường. Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Dệt may là một trong 9 nhóm ngành chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ảnh: Bá Hoạt
Triển khai 3 nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế
- Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nước ta?
- Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, có 15 nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19, trong đó 9 nhóm ngành chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại lớn và 6 nhóm ngành chịu tác động ở mức độ vừa phải. Các nhóm ngành chịu thiệt hại lớn gồm: Dệt may, da giày, sản phẩm từ gỗ, thép, du lịch, vận tải, kho bãi… Nhìn rộng hơn, tác động của dịch Covid-19 còn gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Chúng ta đã có thời gian dài kiểm soát tốt dịch Covid-19, không phát sinh ca nhiễm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp những ngày qua đã mang đến những khó khăn, bất lợi khó lường với nền kinh tế.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Vì thế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nói chung suy giảm nặng nề, từ đó gây khó khăn cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Một doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ gây ra sự xáo trộn theo hiệu ứng dây chuyền.
Song, dịch bệnh cũng làm chuyển dịch đầu tư nước ngoài theo hướng điều chỉnh chuỗi sản xuất, trong đó giới đầu tư quốc tế đang tỏ ra quan tâm với việc tăng cường dự án đầu tư tại Việt Nam. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, cho phép cải thiện kết quả đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn cũng như hỗ trợ quá trình hiện đại hóa nền kinh tế.
- Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần có những giải pháp gì để duy trì sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
- Phục hồi kinh tế bao gồm 3 nhóm giải pháp cơ bản sau. Thứ nhất, giảm tối đa hoặc hạn chế hậu quả, tác động do dịch Covid-19 gây ra; giải quyết khó khăn, thiệt hại đối với doanh nghiệp do phải dừng kinh doanh cũng như các tác động đối với người lao động. Thứ hai, xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn với bối cảnh mới nhằm duy trì hoạt động. Thứ ba, phải tạo được nền tảng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn, bù đắp cho thiệt hại đã xảy ra để bảo đảm có được lợi ích, tăng trưởng. Những gì Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai đều trực tiếp hoặc gián tiếp nằm trong 3 nhóm giải pháp này.
Vấn đề hiện nay là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phòng, chống dịch hiệu quả không để lây lan rộng góp phần hạn chế ảnh hưởng đến kinh tế. Điều này đã được Chính phủ khẳng định, tập trung chỉ đạo triển khai thời gian qua.
Xét về các lĩnh vực cụ thể thì cần tập trung khai thác thị trường trong nước để bù đắp sụt giảm trong xuất khẩu, tạo đầu ra cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng đóng góp vào tăng trưởng. Tôi rất tâm đắc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần giải ngân hết 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Đáng mừng là kết quả giải ngân đến nay đang có chiều hướng tích cực, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, việc nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, dù gặp không ít khó khăn, cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng chung.
Nắm bắt cơ hội để “bật vọt” mạnh ngay sau khi hết dịch
- Theo ông, vấn đề cải cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế cần được thực hiện như thế nào?
- Giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mang tính cấp bách. Mức độ cải cách và nỗ lực cải cách thể chế đòi hỏi quyết liệt và nhanh chóng hơn, để doanh nghiệp phải trả chi phí ít nhất, bên cạnh bảo đảm ít rủi ro nhất. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch Covid-19 đòi hỏi các hoạt động kinh doanh phải được triển khai hoặc cơ cấu lại một cách nhanh chóng. Do đó, các quy định cứng nhắc, gò bó, không phù hợp sẽ là cản trở rất lớn.
- Ông có thể dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020?
- Trong bối cảnh hiện nay càng cần sự quyết tâm cao nhất để đạt được tăng trưởng tối đa. Song, rất khó để dự báo, đặc biệt khi nhiều yếu tố bên ngoài rất khó lường. Đáng lưu ý là, nhiều tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020.
Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng, tạo động lực mới cho phát triển trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn lực, nắm bắt cơ hội để “bật vọt” mạnh ngay sau khi hết dịch.
- Trân trọng cảm ơn ông!