Khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Sáu tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, sự năng động tìm hướng vượt khó của các doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng cao.
Theo số liệu của Cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3.201,1 triệu USD, tăng 73,5% so với cùng kỳ; đạt gần 70% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2021 của tỉnh ước đạt 3.200,3 triệu USD, tăng 84,4% so với cùng kỳ; đạt trên 70% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm vải bạt, túi PP, quần áo các loại, linh kiện điện tử, chè, gạch men… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Israel,… dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu có số lượng lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều ổn định đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Hiền Minh - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp như: Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy, móc thiết bị sản xuất… Một số doanh nghiệp thuộc khối FDI như: Công ty TNHH Phú Thọ Matstuoka; Công ty TNHH YAKJIN Việt Nam; Công ty TNHH Now Vina; Công ty TNHH YIDA Việt Nam; Công ty TNHH Seshin Việt Nam… có khối lượng xuất khẩu hàng hóa lớn. Bên cạnh đó các công ty thuộc khối doanh nghiệp trong nước đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần gạch men Tasa, Công ty cổ phần CMC,… cũng đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu của tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Cước phí vận chuyển container tăng cao; nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu bị gián đoạn; nhu cầu thị trường chưa phục hồi; nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của địa phương như chè xanh, chè đen hầu hết là xuất khẩu ủy thác, chỉ có Công ty Chè Phú Bền, Công ty Chè Phú Đa và Công ty TNHH Chè SSOE Phú Thọ là xuất khẩu trực tiếp.Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để đạt mục tiêu xuất khẩu 4.500 triệu USD trong năm 2021, ngành Công thương tập trung phối hợp các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, tận dụng hiệu quả các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác các thông tin chế độ chính sách mới về xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường thực hiện các chính sách đầu tư thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đưa vào sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.Để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; khai thác tốt thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước ít có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.