Khắc phục khó khăn trong bảo quản vật chứng các vụ án hình sự

Pháp luật quy định, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo quản các vật chứng còn có nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Tuyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, tiêu hủy vật chứng, tài sản là một trong những khoản thi hành án do cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành. Theo Điều 125, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS), trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu hủy ngay. Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản gồm chấp hành viên là chủ tịch hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia hội đồng khi cần thiết, viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu hủy vật chứng, tài sản.

Tiêu hủy pháo nổ tại Cục THADS tỉnh.

Tiêu hủy pháo nổ tại Cục THADS tỉnh.

Thực tế hiện nay khi công an giao tang vật là ma túy dưới dạng gói niêm phong nhỏ lẻ nên cơ quan THADS chỉ nhận chứ không kiểm tra bên trong. Từ đây dẫn đến tình trạng lo ngại về việc thiếu hụt, mất mát vật chứng đã được niêm phong trong quá trình bảo quản. Đồng chí Trần Hữu Cường, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Tuyên Quang cho biết: thực tế, cơ quan THADS tiếp nhận nhiều loại tang vật là ma túy khác nhau như ma túy dạng tổng hợp, dạng viên, bột, dạng cây lá... Cách thức tiêu hủy còn theo hình thức thủ công như đốt cháy, tiêu hủy bằng hình thức bỏ ma túy vào nước hòa tan rồi đổ xuống cống, rãnh... Các hình thức này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như cán bộ trực tiếp tham gia tiêu hủy. Do chưa có quy trình riêng biệt cho việc tiêu hủy ma túy các loại nên mỗi đơn vị tiêu hủy theo một cách khác nhau tùy theo tình huống cụ thể, nếu pháp luật có hướng dẫn cụ thể đối với việc tiêu hủy các tài sản đặc thù này thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng tiến hành.

Đặc biệt nguy hiểm nếu tang vật là thuốc nổ, việc bảo quản phải là những người có chuyên môn, tuy nhiên, các thủ kho vật chứng của các cơ quan THADS không có chuyên môn trong việc bảo quản chất nổ, chất cháy nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Thực tiễn tại tỉnh ta, việc số lượng tang vật các vụ án hình sự từ cơ quan công an chuyển sang không đồng đều, có nơi ít nơi nhiều, nhưng theo quy định của pháp luật trong vòng 1 tháng chỉ có một hoặc một vài vật chứng, tài sản phải tiêu hủy. Chẳng hạn 1 phong bì ma túy nhỏ mà phải thành lập một hội đồng tiêu hủy vật chứng thì rất tốn kém về thời gian, kinh phí, nhân lực. Hay vật chứng là tiền có thể được thu thập trong một số vụ án trộm cắp tài sản, nhận hối lộ, đánh bạc... Điểm b, khoản 1 Điều 90, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu thập. Tuy nhiên, thực tế trong một số vụ án nhận hối lộ, đánh bạc… cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định tiền để xác định tiền là thật hay giả mà chỉ lập biên bản thu giữ tang vật, trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu. Sai sót này dẫn đến việc bị can, bị cáo hoặc đương sự trong vụ án khiếu nại với lý do số tiền là vật chứng trong vụ án không phải là tiền của họ hoặc có sự đánh tráo tiền thật thành tiền giả...

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh cho biết, các tang vật đưa ra tiêu hủy đều còn nguyên niêm phong có đóng dấu của các cơ quan chức năng liên quan và được các thành viên Hội đồng kiểm tra cẩn thận trước khi mang ra xuất để tiêu hủy. Việc làm gộp vài vụ với nhau sẽ giúp cơ quan THA thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong công tác tiến hành, không nhỏ lẻ, lãng phí nhân lực và thời gian. Thêm nữa theo quy định pháp luật, vật chứng sau khi mang ra đối chiếu phải đúng với biên bản thu giữ ban đầu, nhưng quá trình điều tra, xét xử kéo dài, nhất là tài liệu giấy tờ, đồ điện tử... điều này gây khó khăn trong quá trình bảo quản.

Theo đồng chí Nguyễn Tuyên, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, để làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong THADS, ngành THADS tỉnh đã xây dựng Quy chế, phân định nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. Trong đó, định kỳ 3 tháng một lần, cơ quan THADS phối hợp với cơ quan Tòa án và Viện KSND cùng cấp thực hiện rà soát, đối chiếu sổ sách giao nhận bản án, quyết định của hai bên để đảm bảo việc giao nhận bản án, quyết định theo đúng quy định.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phap-luat/hinh-su/khac-phuc-kho-khan-trong-bao-quan-vat-chung-cac-vu-an-hinh-su-161528.html