Khắc phục khoảng trống quyền lực và trách nhiệm

Tại phiên thảo luận Tổ 3 chiều 8/5, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận đã đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Từ bất cập trong phân định thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cấp, đến khoảng trống hậu thanh tra, các ý kiến nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu lực thực thi, phải khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo về trách nhiệm và quyền hạn trong toàn bộ quy trình thanh tra.

Rà soát khái niệm, xử lý chồng chéo, chuẩn hóa quy trình

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc kế thừa, cập nhật hệ thống quy định pháp luật về thanh tra. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, đại biểu đề nghị rà soát lại định nghĩa “thanh tra” ngay từ điều khoản đầu tiên, bảo đảm bao quát cả thanh tra hành chính và chuyên ngành, tránh cách hiểu lệch khi áp dụng vào thực tiễn.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận

Một trong những vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đặc biệt lưu ý là tình trạng chồng chéo thẩm quyền giữa các cấp thanh tra. Cụ thể, trong khi Điều 10 dự thảo giao Thanh tra Chính phủ quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, thì Điều 16 lại trao quyền tương tự cho thanh tra cấp tỉnh đối với các sở. Đại biểu lo ngại điều này dễ dẫn đến xung đột trong hoạt động, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền, trách nhiệm phối hợp và cơ chế lựa chọn cơ quan chủ trì khi có giao thoa chức năng. Việc này sẽ giúp tăng tính khả thi, hạn chế lúng túng trong thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý về khoản 1 Điều 27, quy định đoàn thanh tra tự giải thể sau khi bàn giao hồ sơ, đại biểu cho rằng cần làm rõ thời hạn bàn giao, tránh kéo dài không cần thiết, ảnh hưởng đến tổng hợp, đánh giá và xử lý kết quả. Đại biểu đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết thời hạn để bảo đảmtính chuẩn hóa.

Về thẩm quyền kiến nghị xử phạt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phân tích: pháp luật hiện hành quy định người thi hành công vụ phải lập biên bản khi phát hiện vi phạm, nhưng dự thảo Luật Thanh tra lại chưa làm rõ hình thức “kiến nghị xử phạt”. Do đó, cần bổ sung cơ chế tiếp nhận, xử lý kiến nghị, xác lập trách nhiệm cụ thể để tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng kiến nghị phân loại cụ thể những kết luận thanh tra nào do Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện, và trường hợp nào giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ, bảo đảm sự phân quyền hợp lý, linh hoạt mà vẫn thống nhất.

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý Điều 6, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là “không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra”. Theo đại biểu, đây là vấn đề mấu chốt trong bảo đảm hiệu lực thanh tra, bởi thực tế cho thấy nhiều trường hợp chây ì, né tránh gây khó khăn cho cơ quan chức năng… Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài đủ mạnh, giao Chính phủ quy định cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp cưỡng chế thi hành trong giai đoạn hậu thanh tra.

Liên quan đến xử lý chồng chéo, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng: dự thảo mới dừng ở nguyên tắc phối hợp, hướng dẫn chung mà chưa có quy định điều phối cụ thể. Việc thiếu nguyên tắc ưu tiên có thể dẫn tới tình trạng trùng lặp, kiểm tra cùng đối tượng bởi nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, cần bổ sung rõ ràng nguyên tắc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm toán, công an để bảo đảm hiệu quả và tránh lãng phí.

Bảo đảm hiệu lực hậu thanh tra, đồng bộ cơ chế phối hợp

Tham gia ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cũng bày tỏ đồng tình và đề xuất rà soát kỹ giữa dự thảo Luật Thanh tra và các luật chuyên ngành hiện hành. Đặc biệt, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành không còn tổ chức thanh tra chuyên ngành, để không tạo khoảng trống pháp lý.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cảnh báo sự chồng lấn giữa thanh tra với kiểm tra chuyên ngành hoặc giám sát nội bộ tại địa phương đang là thực trạng phổ biến, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, trên nguyên tắc đã được luật hóa rõ ràng.

Nhấn mạnh sự nguy hiểm của hành vi làm sai lệch tài liệu, vật chứng trong quá trình thanh tra – một hành vi chưa được quy định cụ thể trong dự thảo... Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) kiến nghị cần bổ sung vào danh mục hành vi bị nghiêm cấm, nhằm nâng cao tính răn đe và bảo đảm minh bạch trong quá trình xử lý.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý Điều 33, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cũng chỉ rõ sự bất cập nếu người ra quyết định thanh tra đồng thời là Trưởng đoàn, bởi điều này ảnh hưởng tính khách quan… Theo đó, đại biểu đề nghị quy định rõ nguyên tắc tách biệt vai trò, đồng thời bổ sung quy định xử lý nội dung sai lệch trong báo cáo, tránh việc chỉ dừng lại ở “làm rõ” hoặc “bổ sung”.

Tại Điều 34, khi xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị quy định rõ cơ chế giải quyết trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa thành viên đoàn và người ra quyết định, tránh kéo dài quy trình ban hành và làm giảm hiệu quả thực thi.

Về việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng: cần làm rõ tiêu chí xác định dấu hiệu vi phạm hình sự, tránh tình trạng “tội phạm hóa” không cần thiết… Đáng chú ý, đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép trích kinh phí từ xử phạt hành chính để hỗ trợ hoạt động chuyên môn của lực lượng thanh tra, vừa nâng cao hiệu quả thực hiện vừa bảo đảm động viên kịp thời.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Trần Đình Gia góp ý nên bỏ khoản 5 Điều 7 vì trùng nội dung với chương III, tránh lặp lại, gây rối cấu trúc luật. Tương tự, đại biểu cũng đề nghị gộp nội dung tại Điều 15 và 16 vì trùng nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh.

Về quy trình xây dựng kế hoạch thanh tra (Điều 18), đại biểu Trần Đình Gia đề nghị làm rõ nguyên tắc không trùng lặp với các kế hoạch kiểm tra, giám sát khác; đồng thời, tại Điều 34, cần bổ sung quy định công khai kế hoạch thanh tra tại trụ sở, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức liên quan được biết, chuẩn bị và giám sát.

Liên quan đến quy định tại Điều 42, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất: người tiến hành thanh tra phải bảo quản, sử dụng tài liệu theo đúng quy định và khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, hồ sơ gốc cần được chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đây là yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng xử lý và tuân thủ nguyên tắc pháp lý trong công tác thanh tra.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương có thể dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, cũng tiềm ẩn khả năng chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử… Do đó, để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, đại biểu nghị dự thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý rõ ràng trong các trường hợp chồng chéo nêu trên. Việc này nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tránh làm khó cho cơ sở và giúp các lực lượng thực thi pháp luật phối hợp hiệu quả, đúng chức năng.

Diệp Anh- Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khac-phuc-khoang-trong-quyen-luc-va-trach-nhiem-10371774.html