Khắc phục kịp thời sạt lở đường giao thông

Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 21 đến 25-5 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường.

Lực lượng chức năng xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường ĐT 185 qua huyện Na Hang.

Lực lượng chức năng xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường ĐT 185 qua huyện Na Hang.

Tại các khu vực sạt lở, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với lực lượng chức năng, các địa phương thực hiện phân luồng giao thông từ xa; lắp đặt biển báo, rào chắn tại các khu vực nguy hiểm. Đồng chí Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, các đoàn công tác của Sở đã nhanh chóng có mặt tại các tuyến đường có điểm nóng sạt lở để chỉ đạo phương án khắc phục. Cùng với đó, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, đơn vị quản lý đường bộ huy động nhân lực, máy móc tập trung khắc phục sự cố sạt lở, ngập úng. Từ đó, thực hiện bảo đảm giao thông bước 1 theo quy định. Hiện tại, hầu hết các tuyến đường đã thông tuyến.

Trên các tuyến quốc lộ ủy thác như Quốc lộ 37, 2C, 3B qua các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, mưa lũ lớn đã làm đất đá sạt lở, tràn mặt đường ở nhiều vị trí. Chỉ riêng trên tuyến Quốc lộ 2C, khối lượng đất đá trôi lấp cống rãnh, mặt đường, bùn lấp bồi đắp thượng lưu và hạ lưu các đập tràn ước tính trên 20.000m3. Đập tràn Pắc Cụp 2 tại km170+600 Quốc lộ 2C, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) nước lũ dâng cao gây ngập và ách tắc giao thông liên tục trong 2 ngày 23 và 24-5. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty cổ phần Đường bộ 232 đã nhanh chóng triển khai nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Ngọc Phẩm, Giám đốc Công ty cho biết, mưa to dài ngày khiến bùn đất nhão, nhiều khu vực sạt lở dọc đường có đông nhà dân gây khó khăn trong việc thu dọn, đổ đất. Công ty đã huy động 10 máy xúc, máy đào đất, 20 công nhân tiến hành dọn vun bước 1 tại các điểm sạt lở để khơi thông đường. Đối với khu vực ngập úng, tiến hành khơi thông dòng chảy, hót dọn bùn, rác, vệ sinh ngay sau khi nước rút. Đến nay, sau 3 ngày khắc phục sự cố sạt lở tại các tuyến quốc lộ với trên 10.000m3 đất, đá được thu gom, về cơ bản giao thông đã được thông suốt.

Tại huyện Lâm Bình, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, một số tuyến đường tỉnh như ĐT.188, ĐT.185 nhiều vị trí sạt taluy dương đất đá lấp cống rãnh, mặt đường gây gián đoạn, ách tắc giao thông cục bộ. Trước tình hình đó, Hạt Quản lý giao thông huyện đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, các tổ, đội tuần đường tiến hành kiểm tra, xác định khối lượng thiệt hại, đồng thời dọn hót đất, đá sạt lở để đảm bảo cho các phương tiện đi lại.

Công nhân Công ty cổ phần đường bộ 232 hót dọn bùn, rác, vệ sinh đập tràn Pắc Cụp 2 ngay sau khi nước rút.

Công nhân Công ty cổ phần đường bộ 232 hót dọn bùn, rác, vệ sinh đập tràn Pắc Cụp 2 ngay sau khi nước rút.

Ông Chẩu Văn Tiến, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông huyện Lâm Bình nói, đơn vị đã bám sát tình hình thực tế các tuyến đường, huy động 5 phương tiện, máy móc các loại phối hợp khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra. Bên cạnh đó, cử cán bộ trực tại các điểm cầu tràn, không để người và phương tiện di chuyển qua suối khi nước lũ về. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tuyến đường đều thông suốt. Riêng vị trí km 98+400 đoạn đường đèo Khau Lắc (Lâm Bình) với khối lượng đất đá sạt lở lớn trên 7.000m3, vị trí sạt lở địa chất phức tạp, kết cấu rời rạc, một phần đất đá trên mái taluy dương có nguy cơ tiếp tục sạt lở gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông nên tạm thời chưa thể khắc phục và thông tuyến. Hiện tại, đơn vị đã có phương án phân luồng để người dân di chuyển giữa 2 xã Bình An và Lăng Can được đảm bảo an toàn.

Tại huyện Na Hang có 7/13 tuyến đường huyện có vị trí sạt lở, khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 1.250 m3. Theo ông Hoàng Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt Giao thông huyện Na Hang, đơn vị đã huy động 2 máy xúc xử lý các điểm sạt lở. Hiện tại, các vị trí bị thiệt hại tại Bản Bung, Phiêng Bung, Sinh Long… đã được khắc phục. Là huyện vùng cao có địa hình đồi núi phức tạp, nguy cơ sạt lở đất đá khi mưa lũ luôn thường trực nên đơn vị đã tích cực kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu và luôn có phương án chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Cùng với các biện pháp khắc phục sự cố, Sở Giao thông - Vận tải đang tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn giao thông. Đối với những tuyến đường có nguy cơ sạt trượt, ngành tiến hành gia cố taluy dương, taluy âm bằng rọ thép, đặt biển cảnh báo cho người và phương tiện qua lại. Tại khu vực có đập tràn, đường qua suối tiến hành đặt biển cảnh cáo, bố trí nhân công trực ở 2 đầu tràn khi nước lũ về… Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, bảo đảm chất lượng công trình, giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Dự báo trong những ngày sắp tới, tình hình mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sở Giao thông - Vận tải cùng các đơn vị trực thuộc tiếp tục chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố với phương châm sạt lở đến đâu khắc phục ngay đến đó, đảm bảo giao thông thông suốt theo phương án “4 tại chỗ”. Cùng với đó, tiếp tục kiểm tra thực tế, thống kê thiệt hại để đề xuất các giải pháp khắc phục theo quy định.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/khac-phuc-kip-thoi-sat-lo-duong-giao-thong-158520.html