Khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong học tập, nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh

Quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, việc học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nề nếp trong tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng là cơ sở để thực hiện có hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Tuy nhiên, quá trình học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số biểu hiện nhận thức lệch lạc, thiếu đúng đắn về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt này.

Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, đảng viên ngại học, lười học, lười nghiên cứu, trong nghiên cứu không có phương pháp khoa học hoặc không nghiên cứu thấu đáo, nghiên cứu lý luận thiếu tính thực tiễn, minh họa đường lối, quan điểm nhưng chưa cắt nghĩa đủ độ sâu sắc với vấn đề thực tiễn đặt ra, dẫn tới hiểu và vận dụng không đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Loại ý kiến này hoặc vô tình hay hữu ý đều có thể tiếp tay cho các quan điểm thù địch, sai trái, cơ hội chính trị lợi dụng nhằm chống phá Đảng.

Để học tập, nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn cách mạng, thích ứng với tình hình mới và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần khắc phục những sai lệch sau:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng; xem nhẹ lý luận, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm.

Nhận thấy nguy hại của căn bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, Đảng chỉ rõ lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận thông tin mới cũng là biểu hiện của sự suy thoái.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, đó là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Lâm Văn Sển - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quý I, II-2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: THU OANH

Thứ hai, khắc phục biểu hiện tách rời lý luận với thực tiễn; không thấy sự thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Người có nguồn gốc lý luận chủ yếu từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đối lập hoặc tách mình ra khỏi quan điểm, lập trường tư tưởng C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, đúng như Người đã nói: “Cố gắng vận dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin trong hoàn cảnh cụ thể của nước mình”.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu của sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, đặc biệt là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt nền tảng vững chắc cho những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường, quan điểm và phương pháp chỉ đạo cách mạng.

Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Vì thế, quan điểm tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, không nhận thức được sự thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin hoặc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin đều sai trái, có dụng ý xấu.

Thứ ba, khắc phục khuynh hướng cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một hệ thống mà chỉ là những quan điểm chỉ đạo thực tiễn của Người.

Cần phải khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, nghĩa là bao quát nhiều lĩnh vực nhưng không phải tất cả mọi vấn đề đều gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở đây cần hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh như là tư tưởng chính trị theo nghĩa rộng gồm tư tưởng về mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về mục đích cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về lực lượng cách mạng là toàn dân tộc lấy công - nông làm gốc; về tổ chức cách mạng là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận đoàn kết toàn dân; về phương pháp cách mạng là động viên toàn dân, tổ chức toàn dân...

Do đó, yêu cầu phương pháp luận khi nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện tổng thể hay từng bộ phận là phải luôn luôn quán triệt mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố, bộ phận khác nhau trong sự gắn kết tất yếu của hệ thống tư tưởng đó quanh hạt nhân cốt lõi là tư tưởng độc lập, tự do.

Đồng chí Nguyễn Văn Mao - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành (Kiên Giang) trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quý I, II-2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: THU OANH

Thứ tư, khắc phục khuynh hướng đơn giản hóa, tầm thường hóa hoặc đi sâu vào tầm chương trích cú, xa rời thực tiễn cách mạng.

Khi nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thì vấn đề quan trọng là ở chỗ nhận ra đâu là nét đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua việc làm, qua cách sống, qua lời nói, qua bài viết, qua sự nghiệp cách mạng của Người. Đừng cố tìm và không nên tìm ở Hồ Chí Minh cái gì cũng đều có sẵn, vì như vậy cũng vô hình trung là xuyên tạc, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ năm, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa giáo điều, đồng thời bảo vệ, phát triển và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ ở những nguyên lý, quan điểm do các lãnh tụ nêu lên mà còn ở sự vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển của các thế hệ tiếp theo. Chính sự vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển đó làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn và ngày càng có sức mạnh to lớn.

Có thể thấy rằng, Hồ Chí Minh là một nhà lý luận - thực tiễn. Người xây dựng lý luận, vạch cương lĩnh, đường lối, chủ trương cách mạng và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Người tổng kết, bổ sung để hoàn chỉnh và phát triển, cho nên tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh luôn sáng tạo, không lạc hậu, giáo điều. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ căn cứ vào các tác phẩm, bài viết mà cần coi trọng hoạt động thực tiễn của Người, thực tiễn cách mạng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng do Người đứng đầu.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ tư duy lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước ta trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Điều đó đặt ra yêu cầu mới là tăng cường nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhất thiết phải nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng đó phù hợp, gắn bó sống động với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo qdnd.vn

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khac-phuc-nhung-bieu-hien-lech-lac-trong-hoc-tap-nghien-cuu-van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-17900.html