Khắc phục sự cố lợn chết sau tiêm vắc-xin

Nhằm chủ động phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương đã và đang triển khai tiêm phòng vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Công ty Navetco). Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ở một số địa phương như: Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi đã xảy ra hiện tượng lợn tiêm vắc-xin bị chết.

Gia đình bà Thuận ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng do lợn chết nhiều sau khi tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh NGỌC TƯỜNG)

Gia đình bà Thuận ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng do lợn chết nhiều sau khi tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh NGỌC TƯỜNG)

Tính đến ngày 26/8, Công ty Navetco và các địa phương đã cung ứng, giám sát sử dụng cho các địa phương 4.494 liều vắc-xin; sau khi tiêm 164 con có phản ứng, trong đó 27 con bị chết (chiếm 0,6% tổng đàn tiêm; tỷ lệ này tương tự như nhiều loại vắc-xin thú y khác). Ngay tại tỉnh Bình Định, nơi thực hiện giám sát sử dụng theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y thì 905 con được tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đều phát triển tốt và bình thường, chỉ một hộ chăn nuôi có bốn con lợn bị chết, cơ quan thú y đã lấy mẫu xác định dương tính với vi-rút PCV2 (gây hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa).

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định Huỳnh Ngọc Diệp: “Đợt 2, Bình Định tiêm mở rộng gần 5.000 con thì xảy ra sự cố. Sau thời gian tiêm phòng khoảng hơn bảy ngày, đã xảy ra tình trạng phản ứng, sốt cao hơn 40oC, toàn thân ửng hồng, nhiều con bị chết tại ba huyện, thị xã: Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn. Kết quả kiểm tra tổng hợp được 83 cơ sở chăn nuôi, lợn có phản ứng, sốt cao, chết, với số lượng là 1.004 con trên tổng đàn tiêm (1.392 con); trong đó có 282 con chết (chiếm 6% tổng số tiêm).

Xác định nguyên nhân ban đầu, cơ quan chức năng cho biết, số lợn phản ứng và chết này có thể do các đàn lợn đã nhiễm vi-rút dịch tả lợn châu Phi thực địa hoặc nhiễm một số mầm bệnh truyền nhiễm khác, đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh, nên khi tiêm phòng vắc-xin NAVET-ASFVAC đã phát bệnh.

Tại Phú Yên, mặc dù là tỉnh không nằm trong danh sách được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tiêm giai đoạn 1, song từ ngày 4/8 đến 17/8 tại các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa, người dân tự mua 36 lọ vắc-xin (900 liều), sau đó cùng thú y cơ sở tự tiêm tổng cộng 756 con lợn (từ hai tháng tuổi trở lên) của 53 hộ chăn nuôi mà không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y.

Sau đó, toàn bộ số lợn được tiêm có phản ứng sau tiêm vắc-xin, trong đó 431 con chết (chiếm 57,0%). Tuy nhiên, đây là con số do chủ vật nuôi, thú y cơ sở khai báo; các cơ quan thú y đến kiểm tra thì không thấy số lợn chết hoặc chủ hộ khai đã bán, hoặc tự xử lý, không có xác nhận của chính quyền cơ sở.

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi không có trong danh sách các địa phương đăng ký như Công ty Navetco đã báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ ngày 27/8 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 14 đến 18/8, người dân tại bốn huyện của Quảng Ngãi ra Bình Định mua 20 lọ (tương đương 500 liều) vắc-xin NAVET-ASFVAC mang về tự tiêm 18 lọ (450 liều) cho tổng cộng 717 con lợn các loại, đặc biệt lợn nái được tiêm liều bằng 1/4 liều hướng dẫn của nhà sản xuất. Do đó, đã có 258 lợn phản ứng, trong đó có 30 con chết.

Những trường hợp lợn bị chết ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi đều nằm trong diện tự ý tiêm vắc-xin cho đàn lợn, tiêm sai đối tượng được chỉ định, không có giám sát của cơ quan thú y, không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y. Khi cấp phép sản xuất, lưu hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo chỉ cho phép sử dụng 600 nghìn liều vắc-xin NAVET-ASFVAC với sự giám sát rất chặt chẽ của cơ quan thú y trong quá trình cung ứng, sử dụng và giám sát sử dụng.

Cụ thể, các lô vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng đều phải kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng bảo đảm an toàn, vô trùng và hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; cơ quan thú y địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Navetco rà soát nhu cầu của người dân sử dụng vắc-xin tại địa phương, đồng thời lập danh sách các cơ sở có nhu cầu sử dụng vắc-xin, cùng với bản cam kết đồng ý của chủ vật nuôi. Trên cơ sở đó, khi sử dụng vắc-xin này phải có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y, sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Công ty Navetco.

Thế nhưng, tính đến nay, Công ty Navetco đã cung ứng hơn 17.350 liều vắc-xin cho 20 tỉnh, thành phố tiêm phòng, theo hình thức cung ứng qua chi cục, cung ứng cho trạm vật tư bán cho các đại lý thuốc thú y, các đại lý lại bán tự do cho người chăn nuôi, thú y cơ sở, bất kỳ ai có nhu cầu. Đây là sự nóng vội, bởi việc tiêm đại trà trên diện rộng sẽ phải làm sau khi kết thúc thời gian tiêm diện hẹp, sau khi sử dụng 600.000 liều có sự giám sát của cơ quan thú y.

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, hiện nay số lợn phản ứng, chết sau khi tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi đã giảm, cơ bản được kiểm soát. Lợn được tiêm vắc-xin còn sống sẽ có đáp ứng miễn dịch nên số bị chết sẽ giảm và hết trong thời gian tới. Trước mắt, Công ty Navetco cam kết bước đầu và trước ngày 31/8 sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/lợn nái và lợn đực giống, 1 triệu đồng cho một con lợn thịt bị chết sau tiêm vắc-xin; đồng thời hỗ trợ thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng những con lợn có phản ứng sau khi tiêm phòng.

Theo Cục Thú y, qua kiểm tra thực tế của các đoàn công tác từ ngày 23 đến 25/8 tại một số tỉnh đã sử dụng vắc-xin NAVET-ASFVAC đã phát hiện nhiều bất cập, có sự buông lỏng trong quản lý tại địa phương, phân phối tổ chức tiêm phòng và giám sát sử dụng vắc-xin của nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân, cán bộ thú y cơ sở tự ý tiêm không đúng đối tượng được chỉ định (lợn thịt từ 8 đến 10 tuần tuổi), không thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm dẫn đến lây lan vi-rút dịch tả lợn châu Phi trong quá trình tiêm. Mặt khác, chủ vật nuôi, thú y cơ sở sẽ không nắm được thực hư tình hình dịch bệnh, nên khi tiêm sẽ bùng dịch làm lây lan vi-rút.

Để khắc phục, chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đã sử dụng vắc-xin cần rà soát toàn diện, báo cáo chính xác, đầy đủ, trung thực tình hình cung ứng, sử dụng, giám sát sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm các tập thể, cá nhân, kể cả Công ty Navetco, cũng như các địa phương cung ứng bán trực tiếp cho người dân dẫn đến tình trạng sử dụng sai, không đúng đối tượng, không nắm được tình hình dịch bệnh, không đúng theo quy định ngành chức năng.

Đồng thời, Bộ yêu cầu Công ty Navetco đồng hành cùng người dân địa phương phối hợp xử lý dứt điểm hỗ trợ cho các hộ không may có lợn tiêm vắc-xin bị phản ứng, chết; bố trí lực lượng cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tại địa phương để tổ chức khắc phục sự cố; cần khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân, sự bất thường trong quá trình triển khai sử dụng vắc-xin (từ khâu bảo quản, vận chuyển, cung ứng đến tổ chức tiêm vắc-xin tại thực địa...).

PHƯƠNG HÙNG KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khac-phuc-su-co-lon-chet-sau-tiem-vac-xin-post712639.html