Sáp nhập Bình Phước với Đồng Nai, cán bộ đi lại thế nào?
Sáng 29/4, đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đã biểu quyết thông qua nghị quyết đề án sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai.
Thống nhất sáp nhập nhưng chưa có đường kết nối
Các đại biểu đã biểu quyết tán thành chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay.


Đa số đường đi từ Đồng Nai - Bình Phước vẫn là mượn đường tỉnh, đường dân sinh của Bình Dương và một số tuyến ở huyện thuộc Đồng Nai.
Đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai mới sau sắp xếp, sáp nhập có diện tích hơn 12.700km² , quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.
Việc hai tỉnh sáp nhập không chỉ thu hút sự quan tâm lớn về vấn đề bộ máy, quản lý mà còn khiến người dân, cán bộ địa phương đặc biệt chú ý đến giao thông kết nối và nơi ăn chốn ở sau khi hợp nhất.
Hiện nay, giữa Đồng Nai và Bình Phước có khoảng 160km đất giáp ranh nhưng gần như chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp. Người dân từ trước tới nay chủ yếu phải vòng qua Bình Dương, Lâm Đồng, hoặc băng rừng, vượt sông suối bằng đường dân sinh để qua lại hai bên.
Tuyến kết nối trực tiếp duy nhất trong lịch sử là ĐT753 (Bình Phước) qua cầu Mã Đà đến ĐT761 (Đồng Nai). Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục.
Muốn đi từ Bình Phước về Đồng Nai, người dân theo quốc lộ 13, qua Bình Dương, đến cầu Hóa An để tới Biên Hòa. Một số tuyến khác như cung đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Đồng Khởi - ĐT768, phà Bà Miêu hay cầu Thủ Biên cũng được chọn, nhưng tất cả đều vòng vèo, tốn thời gian.
Ngay cả khu vực gần cầu Mã Đà, người dân Vĩnh Cửu cũng phải băng rừng, lội suối, rút ngắn chặng đường khoảng 60km. Còn khu vực Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, bà con thường phải băng rừng hoặc mượn đường Lâm Đồng.
Những chuyến đi kiểu này thường kéo dài từ 4 - 6 tiếng đồng hồ, với quãng đường 100 - 200km tùy vị trí, rất bất tiện cho lưu thông hàng hóa.
Một số nhà xe mở các tuyến từ Đồng Nai đi Bình Phước với loại xe từ 16 đến 29 chỗ. Thời gian di chuyển của các xe này từ 4 - 6 tiếng. Hiện chưa có tuyến xe buýt nào kết nối giữa hai tỉnh.

Hiện nay việc đi lại của người dân vẫn chủ yếu qua cầu Hóa An, sau đó qua Bình Dương, mượn đường của Bình Dương để đến Bình Phước.
Khôi phục cầu Mã Đà và mở rộng đường 761
Trong bối cảnh ấy, để chuẩn bị cho tương lai sau sáp nhập, Đồng Nai và Bình Phước đang thúc đẩy dự án khôi phục cầu Mã Đà, tạo nên mạch kết nối chiến lược. Dự án cầu mới dự kiến khởi công tháng 6 tới, hoàn thành trong tháng 12 với tổng vốn 220 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ tái lập tuyến kết nối trực tiếp ĐT753 - ĐT761, mở ra con đường huyết mạch giữa hai tỉnh.
Không chỉ vậy, hai địa phương còn có kế hoạch xây dựng tuyến đường nối từ cầu Mã Đà đến Vành đai 4 TP.HCM, dài 44km, xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Dự kiến giai đoạn 1 sẽ đầu tư quy mô 4 làn xe, tổng vốn khoảng 10.800 tỷ đồng. Song song đó, Bình Phước cũng đang nâng cấp tuyến ĐT753 từ TP Đồng Xoài về suối Mã Đà, mở rộng mặt đường nhiều đoạn để phục vụ kết nối mới.
Các chuyên gia đánh giá, với các dự án giao thông này sau sáp nhập người dân sẽ đỡ phải mượn đường, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí vận tải, đồng thời kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch bứt phá.


Khu vực cầu Mã Đà thì do cầu sập nên bà con vẫn lội sông suối qua lại, bất chấp nguy hiểm.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Đồng Nai - Bình Phước nhập vào nhau sẽ tạo nên cú hích kép. Đồng Nai mạnh về công nghiệp và đô thị hóa, trong khi Bình Phước có quỹ đất rộng, địa hình cao ráo, thuận lợi phát triển các đô thị công nghiệp liên hợp, nhà ở giá rẻ, đón dòng dân cư dịch chuyển”.
Ông cũng cho rằng Đồng Nai có thể dịch chuyển bớt các khu công nghiệp khỏi Biên Hòa sang Bình Phước, giải phóng mặt bằng đô thị và mở ra hướng phát triển dài hạn. Còn về giao thông, ông đánh giá việc triển khai đường kết nối là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương.
Sẵn sàng nơi ăn chốn ở cho cán bộ sau sáp nhập
Song hành cùng hạ tầng giao thông, tỉnh Đồng Nai cũng đã chuẩn bị kỹ nơi ở, nơi làm việc để đón nhận hàng ngàn cán bộ, công chức từ Bình Phước về làm việc. Theo thống kê sơ bộ, dự kiến có hàng ngàn cán bộ công chức từ Bình Phước chuyển về Đồng Nai công tác. Hiện tại địa phương đã lên kế hoạch sơ bộ phân bổ nhà chung cư, nhà ở xã hội hay các trụ sở, nhà khách để đáp ứng nhu cầu sáp nhập.

Hiện trạng nhà khách 71 sẽ được tận dụng làm nơi ở, nhà công vụ sau sáp nhập.
Theo ghi nhận của PV, các khu nhà ở, nhà khách đều nằm ở khu vực nội ô TP Biên Hòa, gần đường Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Giáp, Bùi Trọng Nghĩa. Một số khác ở vùng ngoại ô nhưng di chuyển vào trung tâm cũng chỉ mất khoảng 15 - 20 phút.
Nhà ở xã hội Long Bình Tân (phường Long Bình Tân) với gần 1.100 căn hộ cũng đã được xây dựng và đưa vào khai thác trong vài năm tới. Còn nhà ở xã hội NXH2 (phường Phước Tân) khoảng 1.200 căn hộ cũng đã khởi động được nhiều tháng và khoảng năm sau sẽ có nơi ở mới phục vụ nhiều người.
Còn nhà khách 71, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũ (phường Trung Dũng) với hơn 122 phòng ở, khu đất của Công ty xổ số Đồng Nai có thể cải tạo 20 phòng công vụ. Những nơi này đều có cơ sở vật chất sẵn, chỉ cần sửa sang lại là vào ở được.

Đồng Nai cũng chuẩn bị nhà ở xã hội để đáp ứng nơi ở sau sáp nhập. (trong ảnh là tòa nhà A6 - A7 tại TP Biên Hòa).
Tương tự, một số chung cư nhà ở xã hội cũng sẵn sàng trưng dụng những phòng còn trống như chung cư phường Quang Vinh, nhà công vụ Văn phòng UBND tỉnh, chung cư A6 - A7...
Như vậy, cán bộ khi về đây có thể mang đồ đạc đến ở ngay. Ngoài ra, TP Biên Hòa còn có khoảng 157 căn hộ/phòng ở sẵn có (từ các khu đất đã thu hồi, nhà khách cũ…) cũng được lên phương án nhanh chóng sửa chữa để bàn giao.
Ngoài ra, có 5 trụ sở dự kiến sửa chữa thành nhà công vụ, 6 trụ sở duy tu làm nơi làm việc, và 7 trụ sở khác sẽ sắp xếp lại sau khi tinh gọn bộ máy. Đa số đều sẵn sàng và đang có kế hoạch triển khai sửa chữa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà khẳng định: “Địa phương đã tính toán đầy đủ, đảm bảo không thiếu chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ công chức sau sáp nhập".