Khắc phục tình trạng bồi lấp cửa sông Đà Diễn

Từ nhiều năm nay, cửa sông Đà Diễn (còn gọi là Đà Rằng), TP Tuy Hòa thuộc hạ lưu sông Ba, con sông lớn nhất miền trung thường xuyên bị bồi lấp, khiến cho tàu thuyền ra vào bến gặp khó khăn. Đã có không ít trường hợp tàu cá ra vào bến gặp nạn ngay tại cửa sông này. Tỉnh Phú Yên đã và đang tìm giải pháp mang tính bền vững, lâu dài để khơi thông dòng chảy, bảo đảm ổn định đời sống cho ngư dân.

Tàu của doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu tiến hành nạo vét thông luồng cửa sông Đà Diễn.

Tàu của doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu tiến hành nạo vét thông luồng cửa sông Đà Diễn.

Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), cuộc sống làm ăn của bà con ngư dân thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào con nước ở cửa sông này. Tuy nhiên, bãi biển ở đây là bãi ngang cho nên cửa Đà Diễn luôn bị bồi lấp, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động của ngư dân khi điều khiển tàu đánh cá vào cảng cá phường 6. Đã có nhiều tàu cá mắc cạn bị sóng đánh chìm, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Như vào cuối năm 2013, tàu cá số hiệu PY90874 của ông Đặng Ngọc Đánh ở phường Phú Đông khi xuất bến đã mắc cạn, bị sóng đánh vỡ hoàn toàn thiệt hại gần một tỷ đồng. May mắn là các thuyền viên được cứu kịp thời.

Theo các nhà khoa học, bình quân mỗi năm, bãi bồi khu vực cửa sông Đà Diễn bị bồi lấp khoảng 15 m bờ phải và 8,5 m bờ trái. Bãi chắn cửa sông ít bị phá vỡ hay di chuyển vị trí, mà nổi cao hoặc hạ thấp xuống mặt nước. Tác động của các công trình hồ chứa, thủy điện ở thượng lưu sông Ba làm thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu, suy giảm lượng và chất lượng nước mặt của lưu vực sông, thay đổi quy luật của quá trình xâm nhập mặn vùng ven biển cửa sông; đồng thời giảm lượng bùn cát về hạ du và thay đổi dòng chảy, gây nên hiện tượng xói lở cục bộ và sạt lở bờ sông. Các công trình cầu, cống thoát nước, kè nắn dòng, hệ thống ao đìa nuôi trồng thủy sản... cũng góp phần làm thay đổi hướng, vận tốc dòng chảy và đưa bùn cát ra biển, gây xói lở cục bộ ở vùng cửa sông.

Trước thực trạng cửa sông Đà Diễn thường xuyên bị bồi lấp, gây trở ngại cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân địa phương, trước mắt, UBND tỉnh Phú Yên đã giao cho UBND thành phố Tuy Hòa triển khai dự án nạo vét cửa sông Đà Diễn. Dự án này đã được Chính phủ đồng ý giao các bộ, ngành Trung ương thẩm định, cho phép triển khai từ cuối năm 2013 và do Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu, ở phường 6, TP Tuy Hòa thực hiện. Mục tiêu dự án là khơi thông một luồng tàu dài hơn 700 m, rộng 100 đến 140 m, sâu khoảng 3,5 m, bảo đảm cho tàu có công suất 200 đến 400 CV ra vào cảng an toàn. Đến nay, công việc nạo vét cơ bản được thông luồng, tàu thuyền ra vào cửa sông thuận lợi hơn. Ông Võ Đới, ngư dân phường 6 cho biết: Sau khi TP Tuy Hòa cho nạo vét cửa sông, bà con ở đây mừng lắm. Mọi năm mùa này tàu muốn ra vào cảng cá là phải nằm đợi con nước lên, bà con phải tự lập trạm hoa tiêu hướng dẫn tàu ra vào, nhưng khá nguy hiểm. Năm nay, dòng chảy được khơi thông, điều đó giúp bà con đi làm ăn, mở biển hết sức thuận lợi.

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (Bộ NN-PTNT), về lâu dài tỉnh Phú Yên cần lập quy hoạch và triển khai dự án nạo vét thông luồng cho tàu thuyền vào cửa sông, cửa biển, tạo hành lang thoát lũ phục vụ giao thông vận tải đường thủy. Xây dựng các công trình ổn định cửa sông Đà Rằng, kè biển chống sạt lở, đồng thời có đánh giá tác động môi trường của dự án đến khu vực chung quanh. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về sự biến đổi môi trường, hệ sinh thái và lòng dẫn khi nạo vét dòng kết hợp với giao thông đường thủy. Nghiên cứu đầy đủ, sâu hơn giải pháp mở rộng cửa, tuyến luồng giao thông vận tải đường thủy tại cửa Đà Rằng, trong đó chú ý đến ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để xây dựng các công trình chỉnh trị sông Ba từ đập Đồng Cam đến cửa biển Đà Rằng. Ngoài ra, có thể tiến hành xây dựng đập chắn cát có chiều dài 700 m với cao trình đỉnh 1,5 m.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc khẳng định: Việc nạo vét cửa Đà Diễn là nhu cầu cấp thiết, phục vụ tàu thuyền của ngư dân ra vào đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, việc tiến hành nạo vét ở đâu, như thế nào, khối lượng bao nhiêu lại phải có đánh giá tác động môi trường cụ thể, có luận cứ khoa học và các giải pháp công trình; đồng thời phải bảo đảm hài hòa các nhóm lợi ích về nông nghiệp, môi trường, thủy sản, giao thông thủy và du lịch, cũng như vì sự an toàn và phát triển đời sống kinh tế-xã hội của dân cư ven sông Ba.

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/23703602-khac-phuc-tinh-trang-boi-lap-cua-song-da-dien.html