Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo số liệu của UBND tỉnh về bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh đến ngày 31/1/2021 đạt 3.059,8 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch vốn của HĐND tỉnh giao và 75% kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao. Kết quả giải ngân năm 2020 đạt thấp được cho là do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi NSNN. Đồng thời, UBND tỉnh có Công văn số 1711/UBND-TCTM, ngày 7/10/2020 về giải pháp điều hành một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Thực tế cho thấy, hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo công tác giải ngân VĐTC, bởi có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng. Song, nhiệm vụ này gặp rất nhiều khó khăn, việc giải ngân thường chậm và không đạt theo yêu cầu đề ra. Thực trạng này cũng diễn ra trong 5 tháng đầu năm nay khi giải ngân mới đạt 19% kế hoạch vốn năm 2021 của TTCP giao.
Năm nay, kế hoạch VĐTC của tỉnh được TTCP giao 3.781,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách T.Ư 1.626,9 tỷ đồng, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 2.154,5 tỷ đồng. Kế hoạch VĐTC được HĐND tỉnh thông qua là 4.083,3 tỷ đồng. Đến hết tháng 5, số kế hoạch VĐTC được UBND tỉnh giao chi tiết là 3.079 tỷ đồng, đạt 81% so với số kế hoạch vốn TTCP giao và 75% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Vẫn còn 1.007 tỷ đồng kế hoạch VĐTC chưa phân giao chi tiết, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành giao kế hoạch VĐTC và kết quả giải ngân của tỉnh.
Theo số liệu của UBND tỉnh, tính đến ngày 27/5, tổng giải ngân kế hoạch VĐTC của tỉnh mới được 733,15 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch vốn năm 2021 của TTCP giao (đạt 30% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết). Trong đó, nguồn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 613,7 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách T.Ư giải ngân rất thấp, mới được 119,4 tỷ đồng, chỉ đạt 7% kế hoạch vốn của TTCP giao (đạt 18% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết).
Giải ngân VĐTC đang gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả đạt thấp. Năm nay, tổng số thu điều tiết ngân sách cấp tỉnh được HĐND tỉnh giao từ nguồn thu tiền SDĐ và hoạt động xổ số kiến thiết là 1.152 tỷ đồng (nguồn thu SDĐ 1.140 tỷ đồng, nguồn xổ số kiến thiết 12 tỷ đồng). Đến ngày 24/5/2021, tổng số thu được của ngân sách cấp tỉnh là 135.276 triệu đồng (nguồn thu SDĐ 129.538 triệu đồng, nguồn xổ số kiến thiết 5.738 triệu đồng), đạt 12% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Theo đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, do đặc thù 2 nguồn vốn này thực hiện điều hành chi trên cơ sở số thu nộp vào NSNN, để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng tiến độ giải ngân VĐTC, đề nghị các chủ đầu tư khi có nhu cầu giải ngân kịp thời gửi hồ sơ đến Sở Tài chính để làm căn cứ điều hành dự toán chi từ nguồn thu SDĐ và xổ số kiến thiết. Cụ thể là văn bản đề xuất chính xác số tiền giải ngân và hồ sơ nghiệm thu thanh toán giá trị thực hiện, có xác nhận của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, đối với nguồn vốn nước ngoài, một số dự án chưa thực hiện xong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, như: dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hòa Bình, dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy; hoặc đang thực hiện thiết kế dự án, như dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu huyện Đà Bắc, do đó chưa thể giải ngân. Các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra hiện chưa thực hiện được các thủ tục rút vốn nên chưa thanh toán giải ngân. Ngoài ra, các dự án khởi công năm 2021 chưa đủ điều kiện giao vốn. Các dự án chuyển tiếp nguồn ngân sách T.Ư bố trí quá thời gian quy định, chưa hoàn thành trong năm 2021 và các dự án giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 phải xin ý kiến TTCP, vì vậy chưa triển khai thực hiện.
Trước thực trạng chậm giải ngân VĐTC, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của TTCP tại Văn bản số 642/VPCP-KTTH, ngày 26/1/2021 và Văn bản số 239/UBND-CNXD, ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2021. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; hoàn thành hồ sơ thanh toán tại Kho bạc Nhà nước ngay khi có khối lượng được nghiệm thu. Các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn VĐTC; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn NSNN tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng công trình. Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án tập trung hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các dự án chậm giải ngân, nếu đến quý III/2021 giải ngân dưới 70%, thực hiện điều chuyển cho dự án có khối lượng mà còn thiếu vốn.