Khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị ô nhiễm

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển với quy mô lớn. Từ đó gia tăng lượng nước thải, chất thải, khí thải, hóa chất bảo vệ thực vật dư thừa, gây ô nhiễm môi trường đất, trong đó nhiều diện tích đất nông nghiệp phải chịu áp lực lớn, tới mức các hộ nông dân phải bỏ hoang, không canh tác. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển với quy mô lớn. Từ đó gia tăng lượng nước thải, chất thải, khí thải, hóa chất bảo vệ thực vật dư thừa, gây ô nhiễm môi trường đất, trong đó nhiều diện tích đất nông nghiệp phải chịu áp lực lớn, tới mức các hộ nông dân phải bỏ hoang, không canh tác.

Chăm sóc cây cảnh tại làng hoa cây cảnh xã Nam Phong (thành phố Nam Định).

Theo ông Đoàn Văn Cao, đại diện HTX Nông nghiệp Nam Giang, thị trấn Nam Giang (Nam Trực): “Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thị trấn phát triển mạnh vì vậy lượng nước thải công nghiệp nhiều. Tuy nhiên, do chưa triệt để xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn trước khi xả ra ngoài môi trường nên diện tích canh tác xung quanh khu vực này chịu nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng đất, nước tưới tiêu. Nông dân đi làm ở các vùng cánh đồng có chất thải công nghiệp đều phản ánh bị mẩn ngứa. Vì thế bà con nông dân bỏ hoang, không canh tác tại các khu ruộng giáp ranh các CCN Vân Chàng, Đồng Côi”. Theo đồng chí Phạm Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh (Nam Trực): chất thải từ làng nghề Bình Yên khiến một số diện tích đất nông nghiệp xung quanh làng nghề bị ảnh hưởng không thể sản xuất. Chính quyền địa phương phải rà soát, báo cáo cấp trên có giải pháp hỗ trợ để xử lý bất cập này”. Theo thống kê của huyện Nam Trực, toàn huyện có khoảng 210ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm không canh tác. Diện tích này tập trung chủ yếu ở các địa phương có ngành nghề sản xuất cơ khí truyền thống và vùng tiếp giáp với các cụm, điểm công nghiệp; hàng ngày phải chịu tác động tiêu cực do một số hóa chất độc hại tồn dư trong chất thải (nước và rác thải rắn) vẫn đổ chủ yếu ra kênh mương, cống rãnh, ao hồ sau đó tràn vào đồng ruộng. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: Kết quả quan trắc môi trường đất trong thời gian vừa qua cho thấy khu vực các làng nghề như Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá và làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh đã có thấy xuất hiện hàm lượng kim loại nặng như Cu, Pb, Cd. Ngoài ra, trong mẫu đất tại khu vực giáp ranh các CCN, làng nghề cơ khí, tái chế kim loại, một số kim loại nặng như Cu, Pb, Zn cao hơn so với các khu vực khác. Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường: Qua khảo sát sơ bộ cho thấy diện tích đất nông nghiệp dùng cho trồng trọt có xu thế mất cân đối về dinh dưỡng do biến đổi khí hậu, tình trạng độc canh, thâm canh cao sử dụng nhiều phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật. Kết quả quan trắc từ năm 2015-2019 cho thấy, môi trường đất trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng hiện còn dưới ngưỡng giá trị cho phép của QCVN 15:2008/BTNMT (thông số DDT, Haxaconazole) song đáng cảnh báo. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học không hợp lý gây tích lũy các hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường đất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Giai đoạn 2016-2020, trung bình hàng năm toàn tỉnh sử dụng từ 250-490 tấn thuốc bảo vệ thực vật; từ 180-191 nghìn tấn phân bón; từ 40-62 tấn thuốc diệt cỏ. Khi người dân bón nhiều phân hóa học thuộc nhóm chua sinh lý (NH4)2SO4, super photphat… gây tồn dư acid, làm chua đất, xuất hiện nhiều độc tố đối với cây trồng như: Al3+, Mn2+, Fe3+; làm giảm hoạt tính sinh học của đất. Bón nhiều phân đạm vào thời kỳ muộn cho rau quả, đã làm tăng đáng kể hàm lượng NO3 trong sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt các loại sâu bệnh có hại cho cây trồng, đồng thời có khả năng tồn lưu lâu trong đất, gây ảnh hưởng tới môi trường đất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sức khỏe con người. Môi trường đất ở khu vực các huyện ven biển bị suy thoái và ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau như: bão, lũ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch; biểu hiện rõ nhất của suy thoái đất ven biển là quá trình mặn hóa và phèn hóa đất.

Để giải quyết các bất cập kể trên, trước hết cần đôn đốc, hướng dẫn các địa phương quy hoạch, bố trí đất phát triển công nghiệp phù hợp với môi trường xung quanh theo hướng hạn chế thấp nhất khả năng phát tán rộng, tác động xấu của chất thải trên cơ sở xác định rõ các loại hình công nghiệp, lượng phát thải và tính độc hại của các chất thải; giải pháp khống chế, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên đất, các nguy cơ tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, từ đó nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn các biện pháp cải tạo nâng cao chất lượng đất; hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tránh gây ô nhiễm môi trường đất, làm suy thoái đất. Cần chỉ đạo thực hiện triệt để việc thu gom các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào bể chứa đã xây tại đồng ruộng, hợp đồng với đơn vị chức năng đến vận chuyển xử lý đúng quy định, góp phần hạn chế dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật rơi vãi phát tán ra môi trường đất, nước. Ngành Nông nghiệp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ tài nguyên đất với các dự án cải tạo chất lượng đất, nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu mức độ phát sinh, phát tán nguồn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp gây tác hại ô nhiễm đến nguồn đất. Tăng cường phối hợp với các địa phương quản lý, hướng dẫn nông dân tích cực sử dụng biện pháp để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào hóa chất, đặc biệt khi sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh phải theo nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu của thuốc đối với môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202012/khac-phuc-tinh-trang-dat-nong-nghiep-bi-o-nhiem-2541374/