Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông hồ, kênh mương
Để xử lý bất cập kể trên, tỉnh đã yêu cầu, trước mắt các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác thải ra các tuyến sông, kênh mương; hàng tháng phối hợp với các công ty thủy nông tiến hành khơi thông dòng chảy, trục vớt rác thải, bèo trên các tuyến sông đảm bảo tưới tiêu và giữ gìn cảnh quan môi trường. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo chị Trần Thị Tâm, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định): Suốt từ năm 2004, khi dự án nạo vét, làm kè sinh thái hồ An Trạch bị dừng dở dang đến nay, người dân xung quanh luôn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Lòng hồ bị người dân đổ đủ loại rác thải, lâu ngày ứ đọng, ken đặc thành mảng bốc mùi xú uế nồng nặc. Tại khu vực quy hoạch làm vườn hoa, công viên ven hồ An Trạch hiện trở thành điểm tập kết rác của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định và người dân quanh vùng. Rác chất đống, trở thành nơi trú ngụ của chuột bọ. Bức xúc với tình trạng rác thải xâm lấn lòng hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh sống, trong các đợt đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền khẩn trương khắc phục, xử lý bất cập.
Không riêng gì địa bàn thành phố Nam Định, tình trạng xả rác thải sinh hoạt trực tiếp ra hệ thống sông, hồ, kênh mương vẫn tồn tại như một vấn nạn ở cả vùng nông thôn, dù các địa phương rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn. Hải Hậu vốn là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới, trong đó huyện đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tuy nhiên, theo Phòng TN và MT huyện bên cạnh những mặt đạt được vẫn tồn tại tình trạng vứt bỏ rác thải sinh hoạt ra các tuyến sông, kênh mương. Tại nhiều nơi vẫn còn vỏ bao bì, chai, lọ đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (rác thải nguy hại) chưa được thu gom, vất bỏ đúng nơi quy định, còn xuất hiện trên các tuyến kênh mương nội đồng. Theo Sở TN và MT, ngoài lượng rác thải, hệ thống sông hồ, kênh mương trên địa bàn tỉnh còn chịu tác động tiêu cực bởi các nguồn nước thải sinh hoạt và cả nước thải từ sản xuất. Ước tính, hiện nay tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động dân sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 185 nghìn m3/ngày đêm, được thu gom và xử lý sơ bộ qua hệ thống thoát nước chung, sau đó dẫn thải ra các sông. Trong đó, riêng lượng nước thải dân sinh của thành phố Nam Định khoảng 50 nghìn m3/ngày đêm được thu gom và thải ra sông Hồng qua trạm bơm Quán Chuột và thải ra sông Đào qua trạm bơm Kênh Gia. Tại vị trí tiếp nhận nước thải dân sinh của thành phố, nước mặt các sông đã có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ. Toàn tỉnh có 2 trong 3 khu công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; trong đó KCN Mỹ Trung chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống thu gom nước mưa, nước thải chung của KCN Mỹ Trung cũng chưa đầu tư hoàn thiện trước khi thải ra môi trường. Toàn tỉnh mới có 2/19 CCN đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung, 7/19 CCN có hồ điều hòa, lắng nước thải hoặc có biện pháp xử lý sơ bộ, số CCN còn lại do chưa bố trí được kinh phí nên chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Ở 142 làng nghề hầu hết đều chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải công nghiệp trước khi thải ra ngoài môi trường. Thực trạng trên cho thấy, việc xả trực tiếp rác thải lên bề mặt sông hồ, kênh mương gây ô nhiễm môi trường không khí, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh và làm ảnh hưởng đến cảnh quan nơi sinh sống. Bên cạnh đó, các nguồn nước thải chưa đạt quy chuẩn từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp làm gia tăng ô nhiễm, giảm chất lượng nguồn nước sông hồ, kênh mương và đều tập trung đổ ra các sông chính: sông Đào, Hồng, Ninh Cơ... Chưa kể tỉnh ta lại nằm ở cuối nguồn của nhiều hệ thống sông chảy qua nhiều địa bàn cũng có tình trạng bất cập trong quản lý xả thải ra nguồn nước chung. Trong khi hệ thống sông hồ, kênh mương chịu nhiều nguy cơ ô nhiễm kể trên thì các trạm cấp nước sạch tập trung của tỉnh lại chủ yếu lấy nước đầu vào từ nguồn nước mặt các sông Đào, Hồng, Đáy, Ninh Cơ và sông nội đồng như sông Sắt, sông Châu Thành, sông Quýt.
Để xử lý bất cập kể trên, tỉnh đã yêu cầu, trước mắt các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác thải ra các tuyến sông, kênh mương; hàng tháng phối hợp với các công ty thủy nông tiến hành khơi thông dòng chảy, trục vớt rác thải, bèo trên các tuyến sông đảm bảo tưới tiêu và giữ gìn cảnh quan môi trường. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh thời gian, tần suất, lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt cho từng tuyến đường, khu vực đảm bảo sự hợp lý giữa thời gian vận chuyển rác và lượng rác phát sinh trên địa bàn để giảm tối đa tình trạng người dân vứt bỏ rác bừa bãi xuống sông hồ, kênh mương và xung quanh khu vực sinh sống; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, đặc biệt chú trọng các cơ sở có nguồn thải lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên vận hành có hiệu quả đối với các trạm xử lý nước thải tập trung, nhất là các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu, CCN; đôn đốc các CCN đã đi vào hoạt động mà chưa đầu tư phải khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% các khu, CCN đầu tư xây dựng mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường cho phép. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có giải pháp thu hút đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Mỹ Trung. Nghiên cứu tìm nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Nam Định; đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị trên địa bàn tỉnh cải tạo, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung theo quy định. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh khó khăn, nguồn vốn đối ứng còn hạn hẹp tỉnh đề xuất Trung ương tăng hỗ trợ đối với xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trọng điểm, cần nguồn kinh phí lớn như: xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố Nam Định, xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các CCN, làng nghề. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần tự giác, chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, chú trọng không xả rác thải, nước thải chưa xử lý đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường vào hệ thống sông hồ, kênh mương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy