Khắc phục tình trạng tàu cá 'mắc cạn' ở vùng biển Khánh Hội

Sau khi khảo sát và tìm hiểu rõ nguyên nhân, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nạo vét những đoạn bị bồi lắng, khắc phục tình trạng tàu cá 'mắc cạn' ở miền biển Khánh Hội.

Tàu khai thác neo đậu bên trong cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tàu khai thác neo đậu bên trong cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tàu mắc cạn, ngư dân cầu cứu chính quyền

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo số 1567/BC-SNN (ngày 30-9-2019) mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau gửi UBND tỉnh về thực trạng bồi lắng ở cửa biển Khánh Hội, thuộc gói thầu số 17 “Thi công nạo vét luồng tàu cá, hệ thống phao tiêu báo hiệu và trụ neo tàu” của dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Dự án nêu trên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục nạo vét luồng tàu (chiều dài 4,5 km) và hệ thống phao báo hiệu, trụ neo tàu thuộc gói thầu số 17, có tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Công trình do Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm thi công.

Theo hồ sơ thiết kế, tổng chiều dài luồng tuyến 4,5 km ở cửa biển Khánh Hội sẽ thực hiện bằng xáng thổi. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan (không có bãi chứa bùn) nên đoạn từ Km3+425 đến Km4+500 (đoạn cuối ngoài biển) phải điều chỉnh giải pháp thi công bằng xáng cạp đổ lên xà lan vận chuyển, sau đó bốc dỡ vào bãi chứa gần bờ, rồi dùng xáng thổi đưa vào bãi chứa.

Sau thời gian thi công, công trình nêu trên hoàn thành và nghiệm thu, phân thành ba giai đoạn, gồm: Đoạn từ Km0+000 đến Km3+000, được nghiệm thu ngày 30-12-2016; đoạn từ Km3+000 đến Km3+425, nghiệm thu ngày 17-04-2017; đoạn từ Km3+425 đến Km4+500, nghiệm thu ngày 11-12-2018.

Sau khi nghiệm thu, công trình nạo vét nêu trên đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả không như kỳ vọng của người dân vì tình trạng bồi lắng khá nhanh khiến tàu cá gặp trở ngại. Đỉnh điểm là vào đầu tháng 9-2019 vừa qua, tàu thu mua hải sản của ông Trịnh Văn Đời (ngụ ấp 2, xã Khánh Hội) do tài công Trần Văn Tuấn điều khiển chạy từ cửa biển Sông Đốc về cửa biển Khánh Hội. Khi tàu vừa vào cửa biển Khánh Hội thì bị vướng gò đất, mắc cạn. Gặp lúc sóng to, gió lớn nên phương tiện bị phá nước chìm. Các thuyền viên trên tàu được lực lượng cứu hộ của Đồn Biên phòng Khánh Hội ứng cứu kịp thời, đưa vào bờ an toàn. Vụ chìm tàu cá nêu trên gây thiệt hại cho ông Đời khoảng một tỷ đồng, khiến gia đình ông lâm vào khó khăn về tài chính.

Lo lắng gặp phải trường hợp “mắc cạn” như tàu cá của ông Đời, nhiều ngư dân phải thuê tàu lai dắt khi muốn ra, vào cửa biển Khánh Hội, phải tốn thêm một khoản chi phí. Trước thực trạng trên, đại diện nhiều chủ phương tiện khai thác thủy sản và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua thủy sản trên địa bàn xã Khánh Hội đã tìm đến UBND huyện U Minh cầu cứu, mong muốn chính quyền can thiệp để có giải pháp giúp phương tiện ra vào thuận lợi. Người dân cho rằng, cửa biển Khánh Hội mới nạo vét và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng tàu cá “mắc cạn” khi ra vào cửa biển là bất thường.

Khơi luồng, không để tàu “mắc cạn”

Các phương tiện thi công đang được điều động xuống cửa biển Khánh Hội để khắc phục việc bồi lắng.

Các phương tiện thi công đang được điều động xuống cửa biển Khánh Hội để khắc phục việc bồi lắng.

Tiếp thu phản ảnh của người dân, tại cuộc họp ngày 24-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo chủ đầu tư, chính quyền huyện U Minh cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế để có giải pháp khắc phục.

Kết quả khảo sát thực tế của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, hầu hết các đoạn đã được nạo vét đều đã bị bồi lắng. Riêng đoạn từ Km2+700 đến Km3+500 (chiều dài khoảng 800 m từ Đồn Biên phòng Khánh Hội trở ra biển) bị bồi lắng rất nhanh, khoảng từ 0,8 m đến 1 m, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của tàu thuyền ra, vào cửa biển, gây bức xúc cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên vào sáng 2-10, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bồi lắng nhanh ở cửa biển Khánh Hội phần lớn do yếu tố khách quan (chế độ triều, dòng hải lưu, điều kiện địa hình, địa chất…). Đặc biệt, ảnh hưởng lớn nhất của việc bồi lắng là do các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra vào những ngày đầu tháng 8-2019.

Cũng theo ông Nam, vấn đề bồi lắng không chỉ diễn ra ở cửa biển Khánh Hội mà hầu hết tại các cửa biển vùng biển tây của tỉnh, như: Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Hương Mai, Tiểu Dừa… Việc nạo vét các cửa chỉ sau một năm là gần như bị bồi lắng trở về nguyên trạng, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay.

“Riêng tại Khánh Hội, một nguyên nhân khác dẫn đến tàu, thuyền ra, vào cửa gặp khó khăn là do các phao báo luồng của dự án đã bị hư hỏng trong đợt bão và áp thấp nhiệt đới vừa qua, làm cho ngư dân khó xác định được luồng tuyến”, ông Nam chia sẻ và tiết lộ: Việc người dân bức xúc nhất khi cho rằng, đơn vị thi công khi dùng xáng cạp nạo vét đoạn từ Đồn Biên phòng trở ra biển thay vì nạo vét bốc lên đổ hết đi nơi khác, thì chỉ bốc đi một phần, phần còn lại đổ dồn về hai bên mái luồng. Theo thời gian, phần bùn nhão trên mái luồng trôi đi lấp lại vào khoang luồng chỉ còn trơ lại phần đất cứng, vỏ sò, vỏ ốc, cát,… tạo thành các gò cứng và chắc trên luồng gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi vướng phải.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, đã chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá làm việc với đơn vị thi công và yêu cầu đơn vị này phải đưa thiết bị đến công trình, tổ chức thi công khắc phục toàn bộ các đoạn bị cạn theo sự phản ánh của người dân trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tổ chức sửa chữa, lắp đặt ngay các phao báo luồng đúng theo quy định.

“Về lâu dài, cần có chủ trương cho nghiên cứu, đánh giá nhằm đề xuất giải pháp khả thi, hữu hiệu để tổ chức lựa chọn thực hiện một cách bền vững, hiệu quả, nhất là giải pháp chỉnh trị dòng chảy được sự ủng hộ rất cao của người dân khu vực ven biển”, ông Nam đề xuất.

Liên quan đến việc khắc phục tình trạng “mắc cạn” tại cửa biển Khánh Hội, trao đổi với phóng viên vào trưa 2-10, ông Trần Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm, cho biết: Đã điều động phương tiện, máy móc và thiết bị xuống hiện trường theo chỉ đạo của chủ đầu tư. Chậm lắm là khoảng một tuần nữa Công ty sẽ đến nơi để thực hiện việc nạo vét, thông luồng trong thời gian sớm nhất. “Tuy bị tác động của thiên tai và không thuộc diện phải bảo hành, nhưng là doanh nghiệp, chúng tôi xác định phải có trách nhiệm với xã hội và chia sẻ trước những cái khó của địa phương, ngư dân và sẽ có mặt kịp thời khi chính quyền và ngư dân cần”, ông Mạnh, chia sẻ.

Được biết, Khánh Hội là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau. Nơi đây có khoảng 375 tàu cá và hơn 500 phương tiện xuồng máy, vỏ lãi tham gia khai thác thủy sản.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41761502-khac-phuc-tinh-trang-tau-ca-%E2%80%9Cmac-can%E2%80%9D-o-vung-bien-khanh-hoi.html