Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới
Năm học mới đã cận kề, tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao triển khai phương án bổ sung, bảo đảm chất lượng đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học.
Thiếu giáo viên ở đô thị, vùng ven
Theo đánh giá của ngành giáo dục, số lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn hiện nay. Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành và chất lượng giảng dạy. Đặc thù của Bắc Giang chủ yếu thiếu giáo viên ở khu vực đô thị, xung quanh khu, cụm công nghiệp.
Thị xã Việt Yên là địa bàn luôn thiếu giáo viên trong nhiều năm học gần đây. So với số lượng được giao, toàn huyện đang thiếu 114 giáo viên mầm non và 64 giáo viên tiểu học. Cấp THCS thiếu giáo viên ở những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí. Các trường mầm non, tiểu học xung quanh các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám đều thiếu. Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Việt Yên cho biết: “Các trường phải bổ sung nhân lực bằng việc ký hợp đồng lao động với giáo viên nghỉ hưu, cử nhân chuyên ngành sư phạm vừa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này không ổn định do số sinh viên mới tuyển dụng hợp đồng lao động có mức lương không cao, khi có điều kiện hơn sẽ chuyển công tác. Người lao động nghỉ hưu đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, làm việc không được lâu dài”.
Thực tế này cũng diễn ra tại TP Bắc Giang. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. TP Bắc Giang thiếu khoảng 100 giáo viên mầm non và tiểu học. Hầu hết các trường đều không đủ nhân lực phải dồn ghép lớp nên số học sinh mỗi lớp luôn quá đông so với tiêu chuẩn của Bộ GD & ĐT là 35 em/lớp. Năm học trước, một số trường như: Tiểu học Dĩnh Kế, Tiểu học Đông Thành phải bố trí 45-47 học sinh/lớp. Lớp quá đông ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, khả năng tiếp thu bài giảng của các em. Theo cô giáo Ngô Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dĩnh Kế, đến tháng 8/2024, nhà trường có 66 giáo viên biên chế, thiếu 12 người. Chuẩn bị năm học mới, nhà trường đã tuyển 5 giáo viên hợp đồng và hiện nay vẫn tiếp tục tuyển nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học trong bối cảnh nhà trường có quy mô học sinh đông nhất tỉnh với gần 2,2 nghìn em”.
Việc thiếu giáo viên khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phân công chuyên môn, bố trí thời khóa biểu. Một số giáo viên phải giảng dạy vượt quá số tiết theo quy định, không còn thời gian đầu tư sâu cho việc soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do gần đây, quy mô học sinh tăng trong khi công tác dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát. Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 519,1 nghìn học sinh, tăng hơn 6,1 nghìn em so với năm học trước. Bắc Giang đang phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút đông lao động nhập cư dẫn đến quy mô học sinh ở một số nơi tăng nhanh như: Thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng, TP Bắc Giang.
Ngành Giáo dục Bắc Giang hiện có hơn 24,4 nghìn giáo viên trong biên chế và hợp đồng lao động. So với số lượng được giao, toàn tỉnh đang thiếu hơn 1,4 nghìn giáo viên; trong đó có 850 giáo viên mầm non, 300 giáo viên tiểu học, 260 giáo viên THCS.
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, quy mô học sinh gia tăng đỉnh điểm vào năm 2025, sau đó sẽ giữ ổn định và giảm dần. Tình trạng số lượng học sinh tăng cục bộ ở một giai đoạn nhất định sẽ gây khó khăn cho các huyện, thị xã, TP trong việc bố trí, điều động nhân lực ngành giáo dục. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc học tiểu học bắt buộc phải tổ chức học 2 buổi/ngày khiến bậc học này thiếu nhiều giáo viên. Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều điểm trường lẻ ở bậc tiểu học, mầm non nên nguồn nhân lực bị phân tán. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trong giai đoạn 2021-2026, ngành Giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, hằng năm, Sở tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên. Dù thiếu giáo viên nhưng tiêu chuẩn về chất lượng nhân lực vẫn được đặt lên hàng đầu, khâu tuyển dụng hết sức chặt chẽ. Để bổ sung đội ngũ, tháng 8/2024, tỉnh Bắc Giang tổ chức xét tuyển 353 giáo viên ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, cao đẳng nghề. Riêng chỉ tiêu sư phạm giáo dục tiểu học, Bắc Giang mở rộng đối tượng, tuyển cả thí sinh có hộ khẩu thường trú ở tỉnh ngoài, yêu cầu cam kết 2 năm công tác trên địa bàn tỉnh nếu trúng tuyển.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lớp học phù hợp với đội ngũ hiện có. Các cơ sở thiếu nhân lực chủ động ký hợp đồng lao động với người có đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP sắp xếp đội ngũ nhân lực dạy liên trường hoặc dạy tăng cường cho các trường thiếu giáo viên bảo đảm khoa học, hợp lý. Trong bối cảnh sắp xếp một số đơn vị hành chính tới đây, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP xem xét đề xuất sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, hình thành trường liên cấp.
Chủ động bổ sung nguồn nhân lực, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang rà soát số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học sư phạm có chuyên ngành đào tạo phù hợp với các cấp học, các bộ môn thiếu giáo viên để liên hệ về giảng dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hoặc từng học tại trường THPT chuyên, đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia được ưu tiên ký hợp đồng tại các trường trọng điểm. Ở những địa bàn bị thừa, thiếu cục bộ, ngành GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ động nâng cao trình độ qua việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi môn để có thể đảm nhiệm giảng dạy môn khác, cố gắng không làm gia tăng chỉ tiêu biên chế.