Khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị y tế

Dù nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, tuy nhiên, tại một số đơn vị y tế, hệ thống trang thiết bị y tế đã cũ, lạc hậu, khó đáp ứng công tác triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) chất lượng cao cho người dân.

Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh sẽ sớm được đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh sẽ sớm được đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Từ khi được chuyển ra hoạt động tại cơ sở mới, số lượng bệnh nhân đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng rõ rệt, tuy nhiên, hệ thống máy móc của bệnh viện dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư, nhưng còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, đối với hệ thống máy chạy thận nhân tạo, hiện bệnh viện có 22 máy, nhưng chỉ có 12 máy hoạt động ổn định, 4 máy thường xuyên trục trặc, phải sửa chữa, 6 máy đã hỏng, không sử dụng được. Do hệ thống máy chạy thận nhân tạo chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nên đơn vị phải gửi 100 bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và các bệnh viện tuyến huyện.

Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư hệ thống máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, máy SPECT/CT, máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy… nhưng đây đều là các thiết bị đơn chiếc nên khi máy gặp sự cố hỏng hóc phải sửa chữa sẽ gây gián đoạn hoạt động chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Đối với trang thiết bị phục vụ phát triển chuyên ngành tim mạch dù đã được đầu tư máy móc để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản, tuy nhiên, tỷ lệ trang thiết bị của lĩnh vực này tại bệnh viện mới đạt 2,6% so với định mức quy định tại Quyết định số 22 của UBND tỉnh.

Đối với chuyên ngành ung bướu và y học hạt nhân, bệnh viện đã hoàn thành đào tạo đội ngũ nhân lực và được đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tiến tới triển khai các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực xạ trị và y học hạt nhân, tuy nhiên, do chưa mua sắm được thiết bị nên người bệnh bị ung thư phải xạ trị vẫn phải chuyển tuyến trên…

Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, sau khi chuyển ra hoạt động tại cơ sở mới, được tỉnh đầu tư xây dựng, bệnh viện đã thành lập thêm 7 khoa mới. Dù đã đưa vào hoạt động một số chuyên khoa mới, nhưng hiện nay, hệ thống máy móc của bệnh viện vẫn là các trang thiết bị đã được đầu tư từ khi hoạt động tại cơ sở cũ. Trong đó, nhóm thiết bị dụng cụ phòng mổ gồm dụng cụ phẫu thuật nội soi, bộ dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa nhi và chuyên khoa sản có nhiều thiết bị đã hỏng, không đủ để sử dụng.

Bệnh viện có 4 phòng mổ, nhưng do trang thiết bị của phòng mổ đã lạc hậu, nên không kết nối được với hệ thống quản trị bệnh viện thông minh, gây khó khăn trong việc liên thông lưu trữ hình ảnh và kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương để triển khai học tập các kỹ thuật từ xa.

Cùng với đó, nhóm thiết bị thuộc các chuyên khoa tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt vẫn thiếu nên khó khăn trong triển khai kỹ thuật thuộc các lĩnh vực này. Hệ thống thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện đang phải hoạt động vượt công suất do số lượng bệnh nhân điều trị nội trú đông…

Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển kỹ thuật của các bệnh viện, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này, tỉnh đã sớm phê duyệt gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc dự án Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh và giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình tỉnh triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá gói thầu, nên đến nay, gói thầu này vẫn chưa được triển khai. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc trên. Trên cơ sở đó, ngày 30/6/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14 về quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Ngay khi có Thông tư số 14, UBND tỉnh đã ban hành văn bản khẩn về việc thực hiện thông tư của Bộ Y tế. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo kịp thời việc triển khai thông tư theo đúng quy định.

Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình tỉnh khẩn trương phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc dự án bệnh viện đảm bảo đúng quy định; sớm bàn giao trang thiết bị đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình tỉnh đang tăng cường phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát về danh mục, số lượng, cấu hình kỹ thuật các trang thiết bị theo hồ sơ thiết kế cấu hình kỹ thuật đã được thống nhất từ năm 2021 để tránh việc đầu tư thừa gây lãng phí, từ đó, làm cơ sở để sớm mua sắm máy móc triển khai hoàn thiện gói thầu.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo chủ trương của tỉnh, thời gian tới, bệnh viện sẽ sớm được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu KCB. Đối với hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm thuộc dự án xây dựng bệnh viện hiện đã được Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình tỉnh bàn giao cho bệnh viện và đưa vào sử dụng.

Đối với các đơn vị y tế khác trên địa bàn cũng tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư để tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động. Điều đó thể hiện quan điểm xuyên suốt của tỉnh là luôn coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Bài, ảnh: Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96673//khac-phuc-tinh-trang-thieu-trang-thiet-bi-y-te