Khắc phục vướng mắc trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 vướng mắc, 'điểm nghẽn', giải quyết cho được tính cơ học trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan.
Còn cào bằng trong giảm 10% biên chế
Sáng 19/8, Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023”. Đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý. Theo ông Tùng, giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67% trên chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí theo quy định.
Về tồn tại, hạn chế, theo đoàn giám sát, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu “còn mang tính cơ học”. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Bên cạnh đó, việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. “Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao”, ông Tùng cho hay.
Nêu ý kiến sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, chất lượng, hiệu quả sau khi đổi mới tổ chức quản lý của các ĐVSNCL trong báo cáo giám sát còn thiếu số liệu, thông số để phản ánh. “Chẳng hạn như sau sắp xếp thì bao nhiêu phần trăm đơn vị tốt lên, đạt yêu cầu về tinh giản tổ chức, biên chế; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, công chức, viên chức… Đó là những kết quả cuối cùng chúng ta mong muốn đạt được sau khi sắp xếp các ĐVSNCL”, bà Thanh nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động giám sát là phải làm sao thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về “độ trễ, chậm” như báo cáo đánh giá. Cụ thể, còn 88 nội dung theo yêu cầu chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương chưa được ban hành, cần có danh mục cụ thể để tới đây khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 “điểm nghẽn”: Thứ nhất, giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL; Thứ hai là tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; Thứ ba là đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Nghị quyết giám sát chuyên đề này.
Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội. Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn vấn đề khai thác cát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt; Bộ Y tế nghiên cứu sớm bố trí, phân bổ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 5 tuổi nhằm bảo vệ trẻ em, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, rà soát cơ cấu giá thành vé máy bay của các hãng hàng không để quy định giá vé phù hợp.
Có lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo sửa đổi lần này quy định về giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện cũng như trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện. Ông Hoài nhấn mạnh, dự thảo luật không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Về thị trường điện cạnh tranh, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện.
Liên quan đến giá điện và giá các dịch vụ về điện, theo ông Huy, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định. Đồng thời quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện, như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự án này liên quan đến rất nhiều luật, trong đó có cả các luật Chính phủ sắp trình. Vậy việc xử lý mối quan hệ này ra sao với những nội dung còn chồng chéo? Ông Tùng đề nghị cần quan tâm để bảo đảm tính thống nhất, hạn chế áp dụng cơ chế đặc thù khi xây dựng ban hành luật.