Khách bị thương nặng ở Coffee House - ai chịu trách nhiệm?
Nữ bác sỹ trẻ bị thương nặng vì tấm kính rơi vào người, khi đang ở quán The Coffee House trên phố Thái Hà, Hà Nội. Nạn nhân đang trên giường bệnh, đã phẫu thuật hai lần và có nguy cơ bị liệt. Còn xã hội đang tranh cãi những ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Vụ việc gây hậu quả đau xót
Tối 20/4, bác sĩ Hoàng Minh Lý, 29 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cùng bạn bè uống cà phê tại quán Coffee House trên phố Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Bất chợt trời đổ cơn mưa giông, một tấm kính lớn từ tầng 2 của tòa nhà bất ngờ đã đổ sập xuống vị trí họ đang ngồi khiến nhiều người bị thương, trong đó bác sĩ Minh Lý là người bị thương nặng nhất.
Ngay lập tức, bạn bè đã đưa bác sĩ Lý vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng vỡ nhiều thân đốt sống, tổn thương tủy sống gây liệt hoàn toàn hai chân, gãy nhiều xương sườn gây chấn thương ngực kín, tràn máu tràn khí màng phổi hai bên, chấn thương gan độ 4, chấn thương lách độ 2, mất cảm giác từ ngực trở xuống, mất tự chủ đại tiểu tiện.
Khoảng ba ngày sau khi nhập viện, bác sĩ Minh Lý đã được phẫu thuật lần thứ nhất. Mới đây, nữ bác sĩ tiếp tục được phẫu thuật lần hai và hiện đang theo dõi sức khỏe tại phòng hậu phẫu. Đến nay, sau nhiều ngày điều trị, bác sĩ Minh Lý đã tỉnh táo, có thể giao tiếp đơn giản với người thân. Tuy nhiên, hiện cô vẫn đang bị liệt nửa thân dưới do chấn thương ở cột sống và cần quá trình hồi phục lâu dài.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trường hợp này người bệnh sẽ còn phải thực hiện phẫu thuật với hi vọng có thể ngồi xe lăn được.
Sau 5 ngày kể từ khi sự việc xảy ra, phía The Coffee House đã đưa ra mức hỗ trợ tài chính là 117 triệu đồng, nhưng gia đình của bác sĩ Minh Lý chưa phản hồi. Theo ông Thành - bố của nạn nhân cho biết, gia đình đang tập trung cứu chữa cho con, bởi vậy mọi thủ tục bồi thường sẽ làm việc sau và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả chi phí điều trị đều do gia đình tự xoay xở nộp cho bệnh viện.
Sự việc này đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng trong những vừa ngày qua, nhiều cư dân mạng tỏ ra bất bình trước cách xử lý của The Coffee House và cho rằng họ đang chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm.
Gia đình nạn nhân chưa có thời gian nghĩ tới phân xử
Sáng nay (13/5), khi phóng viên Đài Hà Nội liên hệ với ông Hoàng Văn Thành - bố của nạn nhân, ông vẫn đang tập trung đưa con đi khám và điều trị, nên chưa có thời gian để nghĩ tới việc phân xử như thế nào.
Còn về các bên cung cấp dịch vụ, khi phóng viên liên lạc để tìm hiểu thêm về vụ việc này thì cả đại diện truyền thông của The Coffee House lẫn BQL tòa nhà Việt Tower - số 1 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), đơn vị cho Coffee House thuê mặt bằng kinh doanh, đều không liên lạc được. Và khi tìm đến tận nơi xảy ra sự việc, quán cà phê The Coffee Housse đã treo biển đóng cửa để sửa chữa từ ngày hôm nay.
Trở lại vụ việc, vào ngày 25/4, The Coffee House đã có văn bản gửi tới gia đình nạn nhân mong muốn được hỗ trợ một khoản chi phí với số tiền là: 117.000.000 đồng.
Theo văn bản này, phương án The Coffee House đưa ra là, số tiền hỗ trợ này sẽ được chia làm 2 lần: Lần 1 sau khi đã hoàn tất ký văn bản thỏa thuận hỗ trợ cho chị Minh Lý trong buổi làm việc tiếp theo với gia đình; và lần 2 trong thời gian làm thủ tục xuất viện.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bố của nạn nhân cũng đã cho truyền thông biết là ông chưa có tâm trạng để nghĩ đến việc tiếp nhận hay không khoản tiền này, vì đang lo chạy chữa cho con.
Theo thông tin mới nhất Đài Hà Nội nhận được khi liên lạc với một thành viên trong gia đình của chị Minh Lý, đó là gia đình đã từ chối khoản hỗ trợ của The Coffee House và sang tuần tới sẽ làm việc với luật sư về vụ việc này.
Lỗ hổng luật định
Có thể thấy một quả bóng trách nhiệm đang bị đùn đẩy chưa ai nhận, vì trong lúc gia đình còn đang rất lo lắng chạy chữa cho con gái bị trọng thương thì bên cung cấp dịch vụ là quán cà phê The Coffee House vẫn chỉ coi mình như một bên hỗ trợ, chia sẻ với sự cố này của nạn nhân, mà chưa hề có động thái thừa nhận trách nhiệm đối với vụ việc rơi tấm kính tại nơi mà họ đang thuê để kinh doanh. Trong khi đó, đơn vị quản lý tòa nhà Việt Tower - số 1 Thái Hà thì vẫn im lặng.
Tai nạn đáng tiếc xảy ra là điều không mong muốn. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ, đòi tẩy chay thương hiệu The Coffee House. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, bất khả kháng. Bên cạnh đó, không ít người quan tâm đến việc ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho sự việc này?
Sự cố tai nạn xảy ra từ ngày 20/4, nhưng đến ngày 10/5, phía The Coffee House mới đăng tải bài viết phản hồi trên facebook và blog của hãng về sự cố vỡ kính do giông lốc tại cửa hàng The Coffee House Thái Hà (Hà Nội).
Sau khi thông tin này được đăng tải, cộng đồng mạng đã để lại nhiều bình luận bày tỏ sự bức xúc:
- Là khoảng 20 ngày sau các bạn mới có cái thông cáo này?????? Đây là tai nạn không ai mong muốn, nhưng rõ ràng một tấm kính cường lực rơi từ trên cao xuống gây chấn thương vỡ gan, liệt tủy sống thì cần phải xem xét nức độ an toàn và khả năng vận hành của những cơ sở này.
- Khi khách hàng mua dịch vụ để được sử dụng, nghĩa là bên bán phải chịu trách nhiệm về tính an toàn cho khách hàng. Đó là lẽ đương nhiên. Khi có sự cố xảy ra, nếu tìm cách đổ lỗi cho thiên tai mà quên mất việc đánh giá lại kết cấu và độ an toàn, thì với góc độ người sử dụng dịch vụ, việc cần phải minh bạch hơn về thông tin luôn là điều cần làm và phải làm.
- Tẩy chay The Coffee House!
- Tại sao lại có từ “Hỗ trợ” chứ không phải là “Cam kết có trách nhiệm” trong trường hợp này ạ?
- Tính ra trong văn bản không có nổi câu xin lỗi nào luôn…
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Ban Quản lý tòa nhà cũng cần phải chịu trách nhiệm cho sự việc này.
Đánh giá về vụ việc nêu trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có thể do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhưng cũng có thể xuất phát từ việc vi phạm trong quá trình xây dựng, quản lý tòa nhà này.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, nếu trong trường hợp, tấm kính đó không phải do chủ nhà lắp đặt mà là do đơn vị đi thuê lắp đặt để kinh doanh và nếu đơn vị đi thuê thực hiện cải tạo, sửa chữa mà không có giấy phép xây dựng, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và không đảm bảo an toàn thì đơn vị sửa chữa đó phải chịu trách nhiệm. Nếu các đơn vị thi công mà thực hiện sai với thiết kế, sai các quy tắc, quy chuẩn thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.
Theo Luật sư Cường, về vấn đề trách nhiệm thuộc đơn vị thuê hay đơn vị thi công sẽ phụ thuộc vào kết quả xác minh của cơ quan điều tra, trên cơ sở ai có lỗi thì người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Và nếu xác định hai đơn vị này không có lỗi, chủ sở hữu tòa nhà hoặc đơn vị được ủy quyền phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 605 của Bộ luật Dân sự.
Dẫn Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015, Luật sư Đặng Văn Cường chỉ rõ: nếu thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí bồi thường sẽ bao gồm các khoản: chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất và giảm sát, tổn thất về tinh thần; ngoài ra còn có các chi phí hợp lý khác (nếu có). Chính vì vậy, những khoản chi phí mà nạn nhân có quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh hoặc chủ tòa nhà bồi thường sẽ bao gồm toàn bộ chi phí cứu chữa.
Phân tích về nguyên nhân để xảy ra sự cố rơi tấm kính, Kiến trúc sư Lê Việt Sơn - CTCP Thiết kế xây dựng Hà Nội, cho biết: cần phải xem xét nhiều yếu: từ thiết kế có đảm bảo không? trong quá trình thi công, có thẩm tra, thẩm định, giám sát không?, từ đó mới có thể đưa ra được nguyên nhân chính xác.
Cung cấp dịch vụ và trách nhiệm khi xảy ra tai nạn
Một khách hàng tại Mỹ vấp vào tấm kê hàng và bị ngã, đã được Tòa phán quyết: siêu thị để xảy ra vụ việc phải bồi thường.
Sự việc xảy ra với Henry Walker - một cư dân thành phố Phenix của Mỹ bị ngã khi đang cố gắng quay người để thanh toán sau khi mua hàng tại siêu thị Walmart tại địa phương. Nguyên nhân là do chân của anh bị mắc vào khe hở của tấm kê hàng đặt phía dưới giá để dưa hấu nên bị khuất tầm nhìn. Hậu quả là Henry đã phải gánh chịu nhiều thương tật, bao gồm cả vỡ xương hông. Sự việc sau đó được đưa đến tòa án, phía tòa án đã đưa ra phán quyết yêu cầu siêu thị Walmart phải trả khoản tiền bồi thường là 2,5 triệu USD kèm theo 5 triệu USD tiền phạt do bất cẩn.
Tại Anh và Mỹ quy định, ngay từ lúc các cơ sở kinh doanh mở cửa thì phải có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn của khách hàng trong chừng mực hợp lý. Trường hợp khách hàng bị tai nạn, họ có quyền yêu cầu bồi thường nếu chứng minh trách nhiệm thuộc về cơ sở kinh doanh đó.
Để đòi bồi thường thành công, người bị nạn cần phải chứng minh được 2 điều kiện:
Một là tai nạn bắt nguồn từ một yếu tố nguy hiểm tiềm tàng trong cơ sở kinh doanh, ẩn chứa rủi ro vô lý với những người hiện có trong cơ sở kinh doanh nhưng người bị nạn không biết về sự nguy hiểm đó, bao gồm cả việc khách hàng đã hành động cẩn thận, né tránh nhưng tai nạn vẫn đã xảy ra.
Hai là người quản lý của cơ sở kinh doanh đó nhận thức được yếu tố nguy hiểm nhưng đã làm ngơ không khắc phục hoặc mối nguy hiểm đó đã tồn tại trong một khoảng thời gian đủ dài để người chủ có thể phát hiện và khắc phục trước khi tai nạn xảy ra.
Và đừng để sự việc nào đáng tiếc xảy ra vì bên cạnh phải bồi thường một khoản không nhỏ về sự bất cẩn trong quản lý và vận hành, hình ảnh của nhà hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.