Khách du lịch đến Lâm Đồng tăng 13,7%

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, 9 tháng năm 2024, tốc độ phát triển GRDP trên địa bàn tăng 3,35%. Trong đó, hoạt động du lịch là điểm sáng, khách du lịch đến địa phương đạt 7,4 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế đạt 426 nghìn lượt, tăng 42%; khách lưu trú hơn 5,4 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ 2023.

Dịch vụ xe đạp BEAgo trải nghiệm chính thức được triển khai trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Dịch vụ xe đạp BEAgo trải nghiệm chính thức được triển khai trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Trong 9 tháng qua, tỉnh Lâm Đồng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật, thu hút du khách, như tuần lễ vàng du lịch lần thứ 3-năm 2024, đưa vào khai thác tuyến đi bộ bên hồ Xuân Hương-Đà Lạt; chương trình “Đà Lạt đêm say-một hành trình đa trải nghiệm”, du lịch đêm khép kín kết nối ga Đà Lạt với các điểm du lịch-dịch vụ tại ga Trại Mát…; triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đêm tại thành phố Đà Lạt; qua đó, góp phần tăng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch 17,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 11,9 nghìn tỷ đồng.

Quy hoạch bô-xít làm chậm tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia ở Đắk Nông

Đắk Nông đã giao dự toán ngân sách nhà nước cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn dự kiến là 4.162,528 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến năm 2024, ngân sách nhà nước đã phân bổ 3.078,528 tỷ đồng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tỷ lệ giải ngân đạt 49,4%.

Các chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia được xây dựng sát với thực tiễn, là cơ hội lớn cho các địa phương vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối với một số tiêu chí chưa phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh, cần có cơ chế phân công hợp lý hơn, khoanh vùng cụ thể các đối tượng thụ hưởng và cho phép địa phương tự cân đối, xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, bảo đảm đúng quy định và mục tiêu của chương trình.

Theo đánh giá, ngoài các nguyên nhân chủ quan, hiện một số cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn từ Trung ương ban hành chậm, chưa cụ thể, gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện; việc triển khai thực hiện dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nằm trong quy hoạch bô-xít và quy hoạch 3 loại rừng.

Triển khai dịch vụ xe đạp BEAgo trải nghiệm thành phố Buôn Ma Thuột

Hội Doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư BEA vừa tổ chức ra mắt dịch vụ BEAgo - xe đạp trải nghiệm thân thiện với môi trường tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Trong giai đoạn đầu, BEAgo cung cấp 100 xe đạp với 33 trạm xe, được bố trí tại các vị trí thuận tiện gần các trường học, điểm du lịch và các trung tâm thương mại… để thuận lợi cho người dân và du khách khi sử dụng. Dịch vụ xe đạp BEAgo trải nghiệm được vận hành bằng ứng dụng BEAgo, người dùng dễ dàng thuê xe đạp thông qua ứng dụng di động BEAgo trên cả hai nền tảng App Store (đối với hệ điều hành iOS) và Play Store (đối với hệ điều hành Android).

Với mức phí thuê của dịch vụ là 15.000 đồng/giờ, người dùng sử dụng xe đạp BEAgo để trải nghiệm thành phố Buôn Ma Thuột xinh đẹp với những con đường rợp bóng cây xanh và nhiều công trình văn hóa, lịch sử đặc sắc. Mục tiêu của dịch vụ xe đạp BEAgo là góp phần cải thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố Buôn Ma Thuột.

Gia Lai tăng cường đầu tư xuất khẩu cà-phê

Giá cà-phê tăng cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà-phê tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

9 tháng năm 2024, Gia Lai xuất khẩu 193 nghìn tấn cà-phê, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 552 triệu USD, tăng hơn 28,3% về giá trị, chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tác động của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định EVFTA, RCEP cùng với giá cà-phê tăng cao, đã giúp một số doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê trên địa bàn Gia Lai mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống kho chứa, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra nguồn hàng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính, như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Khai trương khu kinh tế đêm Măng Đen

Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và thưởng thức ẩm thực của người dân, du khách khi đến Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã đưa vào hoạt động khu kinh tế đêm Măng Đen, với diện tích khoảng 2,5 ha, tại khu rừng thông sân bay cũ Măng Đen.

Khu kinh tế đêm Măng Đen có thời gian hoạt động từ 15 đến 24 giờ hằng ngày. Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tại khu kinh tế đêm Măng Đen sẽ do Hội Du lịch Măng Đen phối hợp với Ủy ban nhân dân thị trấn Măng Đen và các đơn vị thực hiện. Mô hình khu kinh tế đêm Măng Đen được định hướng phát triển gồm các hoạt động như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, mua sắm ẩm thực; hỗ trợ du khách thông tin về du lịch, cắm trại… Đây là điểm nhấn về du lịch, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện Kon Plông trong phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ-du lịch, thu hút du khách, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/khach-du-lich-den-lam-dong-tang-13-7-231840.html