Khách hàng bị chậm trả tiền bảo hiểm mất công cụ bảo vệ
Nghị định xử phạt mới ban hành có hiệu lực từ 15/2/2025 (Nghị định 174/2024/NĐ-CP) đã điều chỉnh một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bỏ phạt tiền đối với chậm trả tiền bảo hiểm
Đáng chú ý, Điều 15 - Nghị định 174/2024 không còn phạt hành vi chậm chi trả bồi thường như trước. Trước đó, tại Điểm 1, Điều 14 - Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số có phạt tiền khi bồi thường bảo hiểm chậm: “Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật”.
Sự thay đổi này, theo Ban soạn thảo, là do những thay đổi từ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000), nên việc xây dựng nghị định xử phạt mới là phù hợp. Trước đây, việc chậm chi trả bảo hiểm thì không phải trả lãi, còn hiện tại thì phải trả.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận về thời hạn thì phải trả tiền bảo hiểm trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả…
Người tham gia bảo hiểm cần nâng cao ý thức tự bảo vệ
Với quy định mới, các bên sẽ chủ động ra tòa sớm hơn, không phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước, nhưng chưa chắc khiến việc chi trả bảo hiểm diễn ra nhanh hơn.
Theo các luật sư, với quy định mới, các bên sẽ chủ động ra tòa sớm hơn, không phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước, nhưng chưa chắc khiến việc chi trả bảo hiểm diễn ra nhanh hơn (do việc thụ lý vụ án phải mất nhiều tháng).
“Bởi vậy, người tham gia bảo hiểm cần nâng cao ý thức tự bảo vệ vì hiện không còn công cụ bảo vệ khi bị chậm trả quyền lợi. Cơ quan quản lý thị trường là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ không phải giải quyết, không liên quan đến việc chậm chi trả bảo hiểm. Thay vào đó, các bên chủ động đưa nhau ra tòa án giải quyết”, bà Phạm Thị Giang - Đoàn luật sư Hà Nội nói và cho biết thêm, đoàn thanh tra của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng không phải thanh tra về chậm trả bảo hiểm để xử phạt bởi đã bỏ quy định phạt tiền đối với hành vi chậm trả tiền bảo hiểm.
Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cũng cho rằng, quy định mới không còn phạt hành vi chậm chi trả bồi thường có thể là bởi theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước có cần thiết cần thiết phải phạt hay không, lượng đơn yêu cầu xử phạt có nhiều hay không? Và thực tế họ có xử phạt hay không?
“Thực tế, lâu nay, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm không công khai số liệu xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm về việc chậm chi trả bảo hiểm nên cứ để giữ nguyên quy định về phạt có thể gây ‘khó nghĩ’. Nhưng nếu vẫn để quy định về xử phạt sẽ khiến doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm với khách hàng hơn. Giờ doanh nghiệp bảo hiểm không bị chế tài về xử phạt đối với trường hợp chậm trả có thể khiến việc trả tiền bảo hiểm kéo dài hơn. Do đó, ngoài việc tự bảo vệ và trông chờ vào cách hành xử đàng hoàng của doanh nghiệp bảo hiểm thì có thể thành lập hội người tham gia bảo hiểm như các nước. Tổ chức này sẽ chủ động thống kê các vụ việc chậm trả để cảnh báo đến người mua bảo hiểm để họ tránh các doanh nghiệp bảo hiểm chậm chi trả”, ông Sơn nói.