Khách hàng ồ ạt hủy tour, du lịch Việt chịu thêm 'cú đấm bồi'
ang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau những tháng đầu năm 'đóng băng' vì đại dịch COVID-19 thì ngành du lịch Việt Nam bất ngờ chịu thêm 'cú đấm bồi', đợt dịch lần hai bùng phát trong cộng đồng kéo theo vô vàn những khó khăn.
Cách ly xã hội đối với Thành phố Hội An để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TL
Sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng thì bất ngờ từ ngày 25/7, những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương. Tâm lý e ngại khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.
Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa các điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí nhằm bảo đảm an toàn. Một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có dịch. Điều này khiến doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, Giám đốc Công ty du lịch Khát Vọng Việt Nguyễn Bá Toàn chia sẻ, các doanh nghiệp lữ hành đang rơi vào thế khó khi khách hủy tour đòi lại tiền đặt cọc. Trong khi số tiền này đã được đặt mua vé máy bay, khách sạn, khu du lịch,... và các đối tác này lại chậm hoặc khó có thể hoàn lại 100%.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp công ty ứng trước tiền để mua vé máy bay, đặt chỗ khách sạn nhưng bây giờ khách hủy tour, việc thanh toán tất cả các chi phí này rất khó khăn. Thường thì khách hàng sẽ chịu 50% chi phí và phía công ty chịu 50% chi phí còn lại. Tuy nhiên có trường hợp khách không thanh toán đơn vị phải gánh tất cả chi phí đã thanh toán trước đó.
Ông Toàn bộc bạch, ngoài những thiệt hại kể trên thì bao công sức làm tour, tiền chạy quảng cáo, nhân viên, văn phòng,... khi khách hủy thì doanh nghiệp cũng mất trắng những khoản chi phí đó. Đặc biệt là nếu những khúc mắc giữa doanh nghiệp lữ hành với khách hàng không được xử lý ổn thỏa sẽ khiến các đơn vị mất uy tín cũng như lượng khách hàng nhất định trong những năm sau.
Hiện vốn đang là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với Công ty du lịch Khát Vọng Việt nói riêng và nhiều đơn vị lữ hành khác nói chung. Trước mắt công ty chấp nhận lỗ và để có doanh thu, công ty có đăng tải bán thêm sản phẩm đặc sản của các vùng miền lên trên Website. Nếu dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài ngành du lịch khó có thể phục hồi sớm công ty sẽ buộc phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên để duy trì hoạt động.
Thông tin thêm từ phía Công ty du lịch Khát Vọng Việt cho biết, vé máy bay hiện là chi phí lớn nhất đối với các tour du lịch. Một số hãng hàng không đã thực hiện việc hoàn vé máy bay cho hành khách đi Đà Nẵng nhưng có hãng chỉ cho lùi chuyến hoặc chuyển địa điểm du lịch. Đối với các địa điểm du lịch khác chỉ lùi chuyến hoặc chuyển địa điểm du lịch và hành khách phải chịu những chi phí phát sinh nếu có.
Các bãi biển vắng bóng người sau khi Việt Nam liên tiếp xuất hiện ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: TL
Theo thống kê lượng khách hủy tour lên đến 95-100% trong tháng 7 và tháng 8/2020 là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Tại Hà Nội, trong tuần đầu tiên của tháng 8 đã có 13.003 khách hủy tour nội địa tại 23 doanh nghiệp lữ hành. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%.
Công ty Vietrantour thông tin, toàn bộ tour đi Đà Nẵng đã bị hủy ngay sau khi thành phố này xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Các điểm đến thuộc các địa phương xuất hiện dịch bệnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tạm dừng. Thậm chí, nhiều điểm du lịch như: Nha Trang, Phú Quốc,... chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng nhiều khách hàng cũng đã thông báo hoãn, hủy.
Tại TP.Hồ Chí Minh, theo báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, đều gặp tình trạng khách hủy tour cũng xuất hiện hàng loạt. Riêng Vietravel có 20.970 khách hủy với doanh thu dự kiến 88,6 tỉ đồng; Saigontourist hơn 10.000 khách hủy; BenThanh Tourist, Công ty Đất Việt,... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.
Có cơ hội khôi phục khi dịch bệnh Covid-19 được cơ bản khống chế, hàng loạt những chính sách ưu đãi hấp dẫn, kích cầu du lịch,...được thực hiện. Nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại như “một cái tát đau điếng” khiến các doanh nghiệp lữ hành chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng khách hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên sức mạnh, phát triển ngành du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của toàn ngành.
Nhiều chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp lữ hành đã và đang gặp rất nhiều khó khăn vì là khâu trung gian, bỏ ra rất nhiều chi phí để kết nối nhà cung cấp du lịch với khách du lịch. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khách hủy tour đã đặt trước khiến các đơn vị lữ hàng bị mắc kẹt. Vì vậy để giảm thiểu thiệt hại, các đơn vị cần có chính sách linh hoạt và phù hợp với thực tế.
Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 này, các doanh nghiệp lữ hành du xem xét lại một cách kỹ càng đối với những hợp đồng ký với khách hành để tránh trường hợp hủy tour đòi lại tiền hàng loạt như thời gian vừa qua gây thiệt hại nặng nề.
Trước mắt, những đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch (phương tiện đi lại, lưu trú,...) và các doanh nghiệp lữ hành phải ngồi lại với nhau để thỏa thuận, chia sẻ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách, định hướng cụ thể để đưa ngành du lịch vượt “bão Covid-19”.