Khách hàng và ngân hàng sẽ tốn chi phí rất lớn khi áp dụng chữ ký điện tử

Theo dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, mỗi giao dịch ngân hàng điện tử như: gửi tiền, vay tiền, mua bán ngoại tệ… đều phải có chữ ký điện tử và phải mất phí để duy trì chữ ký số.

Hiện nay, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của một ngân hàng chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo báo cáo của một trong 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của ngân hàng này ước tính khoảng 12 triệu khách hàng, với số lượng 6,5-7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây).

Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy đang được lấy ý kiến quy định: Các loại nghiệp vụ chủ yếu của tổ chức tín dụng (TCTD) như nhận tiền tiết kiệm, nhận tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ… đều yêu cầu có chữ ký điện tử khi giao kết giao dịch.

Quy định này khiến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các TCTD cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các TCTD. Đồng thời, quy định này chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (Luật không cấm).

Dự kiến tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng tại một ngân hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng.

Dự kiến tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng tại một ngân hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng.

Cụ thể, VNBA phân tích, khi người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến với ngân hàng.

Với mức chi phí khảo sát qua các đơn vị cung cấp dịch vụ (CA) trên thị trường từ 550.000 - 1.800.000 VND/năm thì hàng năm, khách hàng của ngân hàng này phải chi trả dịch vụ lên đến từ 6.600 – 21.600 tỷ đồng. Chưa kể các chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ cho ngân hàng và trang cấp chứng thư số cho cán bộ trong nội bộ.

Còn theo báo cáo của một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, ước tính có khoảng 10,2 triệu khách hàng, lượng giao dịch trung bình phát sinh xấp xỉ 750 triệu giao dịch tài chính/năm, tương đương trung bình khoảng 500 giao dịch/giây. Chi phí dự kiến phát sinh trong trường hợp toàn bộ các giao dịch trên phải sử dụng chữ ký số: Nếu mua chữ ký số theo năm: 800.000 đồng/ năm (đơn giá trung bình của các nhà cung cấp CA/ Mobile CA), tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng. Còn nếu mua chữ ký số theo giao dịch: 2.500 đồng/lần ký, tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số 1.875 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí sửa đổi các hệ thống để có thể tích hợp việc sử dụng chữ ký số cũng như lưu trữ các giao dịch đã thực hiện: chưa có con số chính xác nhưng dự kiến sẽ trên 10 triệu USD.

“Đây là mức chi phí vô cùng lớn, nếu tính cả hệ thống các TCTD thì hàng năm chi phí này sẽ lên đến bao nhiêu? Ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, văn bản của Hiệp hội Ngân hàng nêu.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đặt vấn đề về hệ thống bảo mật, xác thực của các bên cung cấp chữ ký số (với vốn điều lệ khoảng 30 tỷ trở lên) cũng chưa có các đánh giá được mức độ tương thích với hệ thống bảo mật, xác thực giao dịch, xác thực khách hàng của từng ngân hàng.

Điều này dẫn đến tình trạng cùng một giao dịch khách hàng có thể phải xác thực một số lần, giảm rất nhiều trải nghiệm của khách hàng, tăng thời gian giao dịch và gây cản trở việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Việc hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng.

“Điều quan ngại đặt ra là liệu các tổ chức này có đảm bảo độ bảo mật, sức tải của hệ thống cấp và ký số... có đảm bảo thông suốt an toàn với số lượng giao dịch vô cùng lớn, hàng tỷ, chục tỷ giao dịch/năm (trung bình 500 giao dịch/giây)? Ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả này khi các giao dịch bị chậm trễ hoặc ngừng trệ? Điều này ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống của người dân và doanh nghiệp và của chính TCTD”, Hiệp hội Ngân hàng đặt câu hỏi.

Hiệp hội Ngân hàng cũng chỉ ra tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế.

Hiện nay, phần lớn các giao dịch với ngân hàng đều áp dụng với chữ ký số và đều là các chữ ký số được cấp phát bởi chính TCTD. Đây cũng chính là mô hình Chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn đã được chính thống đưa vào Luật Giao dịch điện tử tại Việt Nam. Các chữ ký điện tử được áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng đều là các chữ ký được miễn phí hoặc có mức phí tượng trưng rất thấp để hỗ trợ người dùng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/khach-hang-va-ngan-hang-se-ton-chi-phi-rat-lon-khi-ap-dung-chu-ky-dien-tu-1100952.html