Khách quốc tế tăng mạnh, Vietnam Airlines lãi đậm

Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường khách quốc tế - phục hồi gần bằng mức trước COVID-19 - góp phần mang lại kết quả kinh doanh sáng cho hãng hàng không quốc gia.

Theo đó, nửa đầu năm, VNA đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong quý II, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 900 tỷ đồng. Kết quả, hãng mang về 1.146 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 934 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ.

Hãng đã vận chuyển gần 11,5 triệu lượt khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ.

Thị trường khách quốc tế của VNA đã phục hồi gần bằng mức trước COVID-19. (Ảnh minh họa)

Thị trường khách quốc tế của VNA đã phục hồi gần bằng mức trước COVID-19. (Ảnh minh họa)

Đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh hãng đang phải đối mặt với khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá bất lợi, tính mùa vụ thấp điểm vào quý II và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.

Theo VNA, giá nhiên liệu vẫn đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng, tăng 30,3% so với 2019, khiến chi phí của Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.500 tỷ đồng. Tỷ giá VND/USD ở mức 24.856 VNĐ, tăng 7% so 2019 khiến chi phí của hãng trong 6 tháng tăng 724 tỷ VNĐ. Đồng thời, tỷ giá yên Nhật giảm sâu cũng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho Vietnam Airlines ở thị trường trọng điểm này.

Ngoài ra, tình hình thiếu máy bay trầm trọng đã tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines. Trước đại dịch, ngành hàng không Việt Nam có 230 máy bay nhưng hiện nay chỉ có có 160 máy bay, giảm 32% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, tăng chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất gây thiệt hại doanh thu.

Dù vậy, Vietnam Airlines đã tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Tổng thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023, phục hồi gần bằng mức trước dịch COVID-19. Nắm bắt thời cơ, Vietnam Airlines đã mở thêm các đường bay mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và nâng cấp máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore…

Trong lĩnh vực tái cơ cấu, Vietnam Airlines thành công khi đạt thỏa thuận xóa nợ 4.665 tỷ đồng đối với Pacific Airlines, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất của tổng công ty.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khach-quoc-te-tang-manh-vietnam-airlines-lai-dam-ar886713.html