Khách sạn Hà Nội cùng 'vượt khó' trước dịch Covid-19
Trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng du khách đến Hà Nội giảm 45,5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hoạt động du lịch gặp khó khăn khiến các cơ sở lưu trú của Hà Nội đồng loạt giảm giá mạnh, thậm chí nhiều nơi còn cắt giảm nhân sự để tránh thiệt hại. Các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chính sách riêng để khắc phục, cùng nhau 'vượt khó' trước tác động của dịch.
Khách sạn Bella Rossa tại Lương Ngọc Quyến đóng cửa.
Các khách sạn "gồng mình"
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 3-3, đã có gần 20.000 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung vào khách Trung Quốc và hơn 15.000 khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài, chủ yếu thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Tại các cơ sở lưu trú, số lượng khách đặt phòng hủy hơn 80.000 lượt.
Trước tình hình khách sụt giảm, số lượng hủy phòng tăng lên, nhiều khách sạn đã đồng loạt thực hiện chính sách giảm giá tới 60% để thu hút khách. Tại khu phố cổ Hà Nội, các homestay, khách sạn nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn chủ khách sạn thuê mặt bằng kinh doanh. Không ít homestay, khách sạn trong khu vực phố cổ Hà Nội phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên, thậm chí có nơi đóng cửa để bảo toàn vốn, tránh thiệt hại.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới vào ngày 4-3, nhiều khách sạn trong khu phố cổ tạm đóng cửa, như: Bousella (Nguyễn Siêu), Rosa Bella đóng cửa cả hai cơ sở ở Cầu Gỗ và Lương Ngọc Quyến; O'Gallery Classy (Cầu Gỗ); chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel có 9 cơ sở thì có 4 cơ sở đã đóng cửa...
Cơ sở khách sạn Bella Rossa tại Cầu Gỗ cũng tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, chủ khách sạn Tirant (phố Gia Ngư) cho biết, việc hủy đặt phòng ngày càng tăng, nên hoạt động của khách sạn thời điểm này mang tính cầm chừng, cố gắng duy trì hoạt động. Do ít khách, công suất hoạt động buồng phòng giảm nên khách sạn phải để nhân viên nghỉ luân phiên.
Giám đốc điều hành khách sạn Matilda Boutique Hotel & Spa (Mã Mây) Đặng Minh Thời cũng cho biết, đến ngày 4-3, có 60% khách hủy đặt phòng. Khách sạn cũng thực hiện chính sách giảm giá sâu và cho nhân viên giảm thời gian lao động. Chủ chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho biết, hiện có 40 nhân viên đã tạm thời phải nghỉ việc.
Một số tập đoàn khách sạn lớn của Hà Nội như Mường Thanh, Bảo Sơn, Grand Vista, Fortuna, Sheraton... mặc dù cũng chịu khủng hoảng do sụt giảm du khách nhưng vẫn cố gắng duy trì. Trước mắt, các khách sạn này chưa giảm nhân sự mà giảm chi phí bằng những hình thức khác, như thực hiện gói giảm giá phòng, điều chuyển nhân sự làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau ...
Chuẩn bị các điều kiện để hồi phục lại thị trường ngay khi hết dịch
Thực tế, khó khăn của hoạt động kinh doanh tại các cơ sở lưu trú đã diễn ra hơn 2 tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và giờ đây đã lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, trước khó khăn chung của ngành du lịch, các lĩnh vực như lữ hành, lưu trú cần có những giải pháp phù hợp, đặc biệt trong vấn đề tổ chức nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục thị trường. Các cơ sở lưu trú cần cân nhắc việc cắt giảm nhân sự thời điểm này để tránh lãng phí nguồn lao động đã được đào tạo.
Thực tế, nhiều cơ sở lưu trú đã tính đến những giải pháp ổn định hoạt động kinh doanh. Việc cắt giảm nhân sự chỉ diễn ra ở những khách sạn vừa và nhỏ, kinh doanh kiểu hộ gia đình.
Để nhân viên quay trở lại làm việc, chủ khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel đưa ra phương án lựa chọn cho nhân viên, nếu nghỉ việc tạm thời vẫn được trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng/người và sẽ trả tiền trợ cấp này vào tháng 8 khi nhân viên quay trở lại làm việc. Với những người tiếp tục ở lại làm việc sẽ được trả cùng một mức lương là 4,5 triệu đồng/tháng/ người.
Bảng giảm giá phòng của khách sạn Diamond King (Mã Mây) đặt trước cửa ra vào.
Với bài toán cắt giảm chi phí khi kinh doanh gặp khó khăn, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, đối với những khách sạn lớn, đa số không thực hiện cắt giảm nhân sự để tránh hao hụt lực lượng lao động hiện có. Thay vào đó, khách sạn sẽ để nhân viên sử dụng số ngày nghỉ phép, hoặc điều động nhân sự làm ở những lĩnh vực khác, như phục vụ các sự kiện hội nghị, hội thảo.
Giám đốc khách sạn Grand Vista Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, việc cắt giảm nhân sự thời điểm này không phải là giải pháp, bởi có thể sẽ khiến các cơ sở lưu trú lúng túng khi thị trường hồi phục nhanh, khách quay trở lại đông. Grand Vista áp dụng giải pháp kinh doanh là phối hợp với các đại lý trong việc phân phối khách; tổ chức ưu đãi, giảm giá sâu với những khách hàng quen thuộc; mở rộng tới đối tượng khách lẻ và khách nội địa.
Trong khi đó, khách sạn quốc tế Bảo Sơn thay vì cắt giảm nhân sự, đã kêu gọi nhân viên cùng chia sẻ khó khăn, tổ chức lao động theo hình thức giãn ca; tận dụng thời gian này để tổ chức nâng cao nghiệp vụ tại chỗ...
Hiện nay, Hà Nội có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Với tình hình khó khăn chung, các cơ sở lưu trú này đều đang gặp thách thức trong kinh doanh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, đây là thời điểm các cơ sở lưu trú cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các chính sách cho người lao động, tổ chức lại bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch hiệu quả tại các cơ sở lưu trú vẫn là giải pháp để lấy lại niềm tin, thu hút khách quay trở lại.
"Thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú cần sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện vật chất, dịch vụ, nhân sự để hồi phục lại thị trường ngay khi hết dịch", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.