Khách sạn, homestay bị EVN làm khó về ưu đãi giá điệnKhách sạn, homestay bị EVN làm khó về ưu đãi giá điện
Đã có doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú than phiền ngành điện lực vẫn tính hóa đơn tiền điện theo giá bán lẻ áp dụng cho kinh doanh thay vì được ưu đãi giá bán lẻ áp dụng cho sản xuất theo quy định mới của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Một số doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú mô hình homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) và villa (biệt thự du lịch) tại tỉnh Quảng Nam phản ánh họ vừa nhận được giấy thông báo tiền điện từ Công ty Điện lực Quảng Nam với số tiền điện phải đóng được tính theo giá bán lẻ áp dụng cho ngành kinh doanh.
Theo một doanh nhân (xin phép giấu tên) kinh doanh cơ sở lưu trú mô hình villa ở thành phố Hội An từ năm 2018, hóa đơn tiền điện này không có gì đáng phàn nàn nếu không có quyết định mới đây của Chính phủ và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 và công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16-4-2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cũng trong ngày 16-4, EVN chính thức triển khai công văn này.
Theo đó, khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan) được hưởng giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.
Khi hỏi ngành điện lực về vấn đề này, vị doanh nhân này được cung cấp bảng Thông báo về Hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo thông báo này, điều kiện để được hưởng hỗ trợ, đó là khách hàng phải cung cấp một trong hai giấy tờ để xác định là “cơ sở du lịch”: (1) văn bản của Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch có nội dung xác nhận đủ điều kiện là cơ sở lưu trú du lịch theo Điều 29, Nghị định 168/2017/NĐ-CP hoặc (2) quyết định hạng cơ sở lưu trú du lịch được các cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tuy nhiên, những điều kiện này nằm trong Luật Du lịch 2005 và không còn bắt buộc trong Luật Du lịch 2017. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã không còn cấp quyết định công nhận như trước đây.
“Theo Luật du lịch 2017, doanh nghiệp chỉ cần có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện tối thiểu về cơ sở lưu trú dánh cho khách. Trong khi đó quy định về bắt buộc cấp hạng sao cũng đã được bỏ”, vị doanh nhân nói và chia sẻ thêm, nhưng ngành điện lực vẫn cần văn bản ra quyết định công nhận cơ sở lưu trú như Luật 2005 có quy định mới được xét hỗ trợ.
Đại diện Hiệp hội du lịch Quảng Nam (QTA) xác nhận với TBKTSG Online rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú, đặc biệt là thành lập trong 3 năm gần đây, phản ánh vấn đề này lên Hiệp hội. QTA cũng đã kiến nghị với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng như UBND tỉnh xem xét về những quy định này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này.
Theo thống kê nhanh của QTA, đã có cơ sở lưu trú trong những tháng qua phải đóng bình quân 16 triệu/tháng cho 4.000 KW điện sử dụng. Mức thấp nhất một villa tiêu thụ điện cũng là 2.000 KW. Nếu tính theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tiền điện sẽ giảm khoảng 25%.
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ có công văn kiến nghị EVN điều chỉnh chỉnh nội dung cho phù hợp với quy định của ngành.
Theo thông báo của Công ty Điện lực Quảng Nam, doanh nghiệp có thời gian từ đây đến tháng 7 để bổ sung hồ sơ và hưởng ưu đãi.
Nhân Tâm