Khách Tây tò mò đi tìm địa điểm trên bức tranh trong phòng khách sạn: Là một danh thắng độc nhất vô nhị ở Cao Bằng

Bức tranh với ngọn núi có lỗ thủng đã khiến chàng du khách nước ngoài vô cùng tò mò và phải tìm đến bằng được.

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến Việt Nam là để khám phá những địa điểm, mảnh đất mới theo cách vô cùng khác biệt. Với một chiếc balo nhỏ cùng quần áo, những vật dụng thiết yếu, những du khách này có thể lái chiếc xe máy đi mọi miền dọc dải đất hình chữ S. Họ gọi hình thức này là du lịch bụi, đem đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn so với những kiểu du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn.

Anatoly là một trong những du khách như thế. Anh nổi tiếng trên mạng xã hội bởi loạt video đi tìm những điểm đến du lịch có hình dáng khác lạ trên bản đồ. Có thể kể tới như ngọn núi hình ngón tay ở Thanh Hóa (hòn Vọng Phu), hình tròn khổng lồ ở Huế (Đấu trường Hổ Quyền) hay Văn Miếu ở Hưng Yên...

Mới đây, một video về một địa điểm thú vị khác của Anatoly nhận được nhiều sự chú ý. Lần này không phải nhận biết địa điểm qua bản đồ, chàng du khách bất ngờ khi thấy một bức tranh trong phòng khách sạn mình đang lưu trú, trên đó có hình ảnh một ngọn núi với lỗ tròn to trên đỉnh. Tò mò và hỏi chủ khách sạn, anh mới biết đây là một địa điểm nổi tiếng ở tỉnh miền núi phía Bắc nước ta - Cao Bằng. Đó là núi Mắt Thần.

Địa điểm chàng du khách nước ngoài thấy và tò mò trên bức tranh chính là núi Mắt Thần ở Cao Bằng (Ảnh chụp màn hình @Anatoly)

Địa điểm chàng du khách nước ngoài thấy và tò mò trên bức tranh chính là núi Mắt Thần ở Cao Bằng (Ảnh chụp màn hình @Anatoly)

Núi Mắt Thần ở đâu?

Núi Mắt Thần là ngọn núi nằm trong thung lũng xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, đồng thời thuộc Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Núi còn có tên gọi khác là núi Thủng. Bà con dân tộc Tày bản địa còn gọi núi bằng cái tên là "Phja Píot", dịch ra nghĩa là núi bị thủng một lỗ như để gió lùa từ bên nọ sang bên kia.

Sở hữu những cái tên "độc lạ" như vậy là bởi hình dáng của ngọn núi. Trên đỉnh núi ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ Thang Hen có một chiếc hang thủng hình tròn. Theo tài liệu chính thức được các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận thẩm định, đường kính của nó là hơn 50m. Nhìn từ xa, hình tròn này được người dân bản địa ví như con mắt của thần linh, đặc biệt là khi có ánh nắng mặt trời chiếu qua. Cái tên cùng hình dáng độc đáo đã khiến núi Mắt Thần nổi tiếng và được xem là ngọn núi độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Núi Mắt Thần soi bóng xuống hồ Thang Hen

Núi Mắt Thần soi bóng xuống hồ Thang Hen

Khung cảnh núi Mắt Thần thêm phần kỳ ảo khi có ánh nắng mặt trời chiếu qua

Khung cảnh núi Mắt Thần thêm phần kỳ ảo khi có ánh nắng mặt trời chiếu qua

Để tới được vị trí núi Mắt Thần, du khách cần di chuyển từ thành phố Cao Bằng một quãng đường khoảng 40km về phía Đông. Đoạn đường này được đánh giá là bằng phẳng, dễ đi, có thể tùy chọn ô tô hoặc xe máy. Tuy nhiên xe máy là phương tiện di chuyển thuận lợi nhất, bởi đoạn đường cuối dẫn tới núi Mắt Thần khá hẹp, chỉ có xe máy mới có thể di chuyển được qua và đi sâu được vào bên trong thung lũng. Còn nếu đi ô tô thì du khách sẽ phải xuống đi bộ một đoạn.

Núi Mắt Thần có gì?

Núi Mắt Thần không chỉ là danh thắng tự nhiên nổi tiếng ở Cao Bằng, mà còn là một trong những địa điểm du lịch vô cùng thu hút, đặc biệt là với những du khách đam mê trải nghiệm và khám phá thiên nhiên.

Hoạt động được yêu thích nhất ở khu vực núi Mắt Thần đó là cắm trại, trong đó du khách có thể lựa chọn cắm trại ở bãi cỏ xanh phía dưới chân núi, ngay cạnh hồ Thang Hen, hoặc cắm trại ngay trên "con mắt khổng lồ" ở đỉnh núi. Mỗi khu vực cắm trại sẽ đem lại những cảm giác rất khác biệt. Hường Phùng, một du khách đã từng tới núi Mắt Thần vào năm 2019 chia sẻ trong bài viết của mình: "Năm mình đi vẫn còn ít người biết đến lắm, khi mình đến chỉ có mỗi nhà mình giữa thảo nguyên bao la, cảm giác hòa mình vào thiên nhiên thực sự rất tuyệt".

Một du khách khác - Vũ Thùy Linh, cũng nhận xét về khung cảnh ở núi Mắt Thần: "Mình thực sự rất bất ngờ về địa điểm này, nơi đây như một thế giới khác tách biệt khỏi cuộc sống bên ngoài. Ngoài cảnh thiên nhiên còn có thể gặp người bản địa thả trâu, bò, ngựa trên đồng cỏ mênh mông, xanh mướt nữa".

Những bãi cỏ gần núi Mắt Thần cũng là nơi để người dân bản địa chăn thả gia súc

Những bãi cỏ gần núi Mắt Thần cũng là nơi để người dân bản địa chăn thả gia súc

Trước kia khi chưa trở nên quá nổi tiếng với khách du lịch, người ta tìm đến khu vực núi Mắt Thần chủ yếu là để cắm trại, nghỉ ngơi, ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên. Tuy nhiên giờ đây, khi được biết đến rộng rãi hơn, ở đây đã được bổ sung thêm đa dạng hoạt động hơn để phục vụ du khách. Có thể kể tới như trèo thuyền quanh hồ nước xanh, đạp xe, ngủ lại qua đêm giữa núi rừng hay trekking núi theo phong cách chuyên nghiệp...

Nhiều hoạt động như cắm trại, đạp xe hay chèo thuyền được yêu thích ở núi Mắt Thần

Nhiều hoạt động như cắm trại, đạp xe hay chèo thuyền được yêu thích ở núi Mắt Thần

Nên đến núi Mắt Thần vào thời gian nào?

Cũng theo lời nhiều du khách đã có kinh nghiệm, núi Mắt Thần mỗi thời điểm trong năm lại mang vẻ đẹp khác nhau, thay đổi theo các mùa trong năm. Vào mùa đông - xuân, tiết trời lạnh, hanh khô, xung quanh núi không có nước, thay vào đó các gồ cỏ nổi lên, tạo nên một thảo nguyên hùng vĩ, xanh mướt.

Vào mùa hè, mưa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, nước từ các khe núi tràn ra, dâng cao, ngập các cồn cỏ, nối liền với các thác, hồ nước. Từ đó tạo thành quần thể 36 hồ tự nhiên với màu xanh ngọc bích vô cùng đẹp mắt.

Còn vào mùa thu, màu cỏ xanh dần chuyển sang hơi úa. Đây cũng là thời điểm du khách dễ dàng bắt gặp cảnh người bản địa chăn thả trâu, bò hay ngựa nhất.

Trong tất cả những thời điểm trên, thời điểm được đánh giá là lý tưởng nhất là mùa hè và mùa thu. Khi này, du khách vừa có thể ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, vừa có thể hòa mình vào khung cảnh xanh tươi của cỏ cây, hay của làn nước mát lạnh dưới hồ.

Núi Mắt Thần mùa cạn nước

Núi Mắt Thần mùa cạn nước

Vì còn là địa điểm hoang sơ, chưa có nhiều sự can thiệp của con người, nên du khách khi tới với núi Mắt Thần, dù là ở bất cứ khu vực nào từ đỉnh núi, bãi cỏ chân núi hay trên hồ, đều cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh chung cho cảnh quan môi trường. Việc vứt rác bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm mà còn có thể ảnh hưởng tới con người hay các vật nuôi nơi đây. Du khách cũng không nên xuống tắm hồ, chèo sup mà chưa có đồ bảo hộ. Không tự ý leo núi, trekking lỗ thủng nếu không có người bản địa dẫn đường, bởi nơi đây dễ lạc, lại không có sóng điện thoại.

Trong chuyến hành trình núi Mắt Thần, Cao Bằng, du khách có thể lựa chọn kết hợp thêm nhiều điểm đến khác cũng nổi tiếng không kém của địa phương, như thác Bản Giốc, đèo Mã Phục, động Ngườm Ngao hay những bản làng của người Tày.

Thu Phương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khach-tay-to-mo-di-tim-dia-diem-tren-buc-tranh-trong-phong-khach-san-la-mot-danh-thang-doc-nhat-vo-nhi-o-cao-bang-20230607113613199.htm