Chùa Bửu Long tọa lạc trên một ngọn đồi phía Tây tả ngạn sông Đồng Nai.
Chùa Bửu Long có kiến trúc khá độc đáo, giống với những ngôi chùa nổi tiếng tại Thái Lan nên còn có tên gọi thân thuộc khác là chùa Thái Lan để khách thập phương dễ nhận diện.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, ngôi chùa này vẫn mang đậm kiến trúc, màu sắc văn hóa Việt Nam với các nét chạm trổ, điêu khắc trên những bức tường rồng uy nghi, hay những cột trụ và cửa tiến vào điện chùa.
Nhiều du khách tìm đến đây phần lớn để chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của ngôi chùa có tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long (số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, TP Thủ Đức) cách trung tâm TPHCM khoảng 20km. Chùa Bửu Long là tổ hợp của sự hòa quyện giữa văn hóa Ấn Độ, Thái Lan cùng với tinh hoa kiến trúc thời nhà Nguyễn.
Ngôi chùa nằm trên hành lang hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất. Du khách viếng chùa dễ dàng thu vào ống kính hình ảnh kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cùng chiếc máy bay có kích thước khá lớn trên bầu trời.
Khuôn viên chùa Bửu Long được xây dựng theo ý tưởng thiết kế của sư trụ trì Thích Viên Minh. Hồ nước xanh ngọc tĩnh lặng ngay trước chánh điện và bảo tháp chính Gotama Cetiya có quy mô lớn nhất nước ta (cao 56 mét) với 4 tháp nhỏ xung quanh.
Bảo tháp chính của chùa có tổng sức chứa trên 2.000 người gây ấn tượng bởi kiến trúc chạm trổ rất tinh tế. Tiếng chuông gió leng keng trên đỉnh tháp và tiếng nước róc rách từ hồ nước trước khu vực chánh điện tạo không gian thanh tịnh cho ngôi chùa này.
Được mệnh danh là ngôi chùa “không nhang khói”, đến với chùa Bửu Long, khách thập phương chỉ chiêm bái cầu nguyện, không thắp hương như nhiều ngôi chùa khác.
Nằm giữa đồi cây xanh mát, chùa Bửu Long được rất nhiều người, không chỉ riêng khách hành hương, lựa chọn làm điểm đến chay tịnh để ngồi thiền, hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống hối hả hàng ngày.
Du khách đến đây không cần mang theo nhang đèn, chỉ cần có lòng thành, bái Phật cầu nguyện.
Được thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu thêm, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu tại TPHCM.
Khu vực chính điện và khuôn viên xung quanh chùa được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của sư trụ trì Thích Viên Minh.
Du khách đang thỉnh những vòng chỉ đeo tay may mắn đầu Xuân Quý Mão 2003 từ ni sư của chùa.
Chị Đoàn Thu Hà (nhà ở đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức), cách chùa hơn 10km đến vãn cảnh và chụp ảnh tại ngôi chùa độc đáo này.
"Tôi đặc biệt thích phong cách kiến trúc của ngôi chùa này, nhất là những cánh cửa có nhiều hoa văn và tượng Phật trạm trổ rất tinh xảo", chị Hà chia sẻ.
Tổng thể lối kiến trúc bên ngoài ngôi chùa luôn có sức hút với du khách và các Phật tử.
Chị Hà thả dáng trong tà áo dài ngay lối chính lên chánh điện. Chùa Bửu Long mang dấu ấn văn hóa Việt được thể hiện qua nét chạm trổ cùng các bức tượng rồng. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm chụp hình, check in yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Chị Trang (ngụ TP Thủ Đức) tuy không phải là người theo đạo Phật nhưng cũng bị cuốn hút bởi nét kiến trúc độc đáo của ngôi chùa.
Chùa được trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục chính, như chánh điện, tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, ni viện, ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân. Chính điện ngày nay không phải do xây mới mà được trùng tu từ di tích cũ, nơi Tổ sư và Đại đức Lão Tâm để lại, khang trang tiện nghi hơn nhưng vẫn không đánh mất hình dáng, nét cũ cổ kính.
Không gian yên ả, không ồn ào của ngôi chùa luôn mang lại cảm giác an nhiên, tự tại cho du khách.
Không gian nhiều cảm xúc với nét kiến trúc độc đáo cộng với sự tĩnh lặng chốn thiền tự tạo cảm hứng cho chị Hà thả dáng với tà áo dài thướt tha.
Chùa Bửu Long nằm giữa đồi núi thiên nhiên thoáng đãng, hòa mình với cây cối cùng với lối kiến trúc vô cùng độc đáo...luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách
Phạm Nguyễn