Khách trên taxi mở cửa bất cẩn làm người đi xe máy tử vong: Ai chịu trách nhiệm?

Theo luật sư, hành vi người ngồi trên taxi mở cửa xe bất cẩn không trực tiếp dẫn tới hậu quả làm người đi xe máy tử vong, song đây là nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Do đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của cả tài xế và hành khách này.

Hành khách hay tài xế taxi có lỗi?

Vừa qua, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường qua Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình khiến một người thiệt mạng.

Theo hình ảnh camera giám sát hành trình trên xe buýt ghi lại, cuối giờ chiều 18/10, người đàn ông lái xe máy đang đi trên tuyến đường Trần Thủ Độ thì chiếc taxi màu xanh bất ngờ mở bung cánh cửa phía sau bên trái phía lòng đường. Người đi xe máy bị cánh cửa xe taxi hất ngã, đúng lúc này, xe buýt chạy tới tông tử vong nạn nhân.

Clip: Khách đi taxi mở cửa bất cẩn làm người lái xe máy ngã ra đường, bị xe buýt tông tử vong

Sau khi clip về vụ tai nạn được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người rất bức xúc về sự tùy tiện, bất cẩn, vi phạm quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông của người khách ngồi trên chiếc taxi.

Đồng thời, nhiều người tranh luận về việc, tài xế taxi, hay tài xế xe buýt, người khách mở cửa xe sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến người đi xe máy tử vong này.

Luận bàn về nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông, không chỉ tài xế mà bất cứ người nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về an toàn giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.

"Dựa trên kinh nghiệm điều khiển ô tô, các lái xe dịch vụ hầu hết luôn bấm khóa chốt cửa sau bên trái để tất cả khách lên xuống bằng cửa bên phải nhằm đảm bảo an toàn, hoặc nhắc nhở khách xuống cửa bên phải, giúp ngăn ngừa, hạn chế các vụ va chạm có thể xảy ra", luật sư Lực phân tích.

Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.

Đặc biệt, không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Căn cứ quy định trên, tài xế có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn khi dừng, đỗ xe, trong đó tuyệt đối không được để cửa xe mở khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn.

Như vậy, nếu tài xế không đảm bảo các biện pháp này dẫn đến khách ngồi sau mở cửa xe bên trái khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn thì tài xế cũng phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra.

Ngược lại, trường hợp tài xế đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật nhưng người ngồi phía sau vẫn cố tình thực hiện gây tai nạn, đây là sự kiện nằm ngoài kiểm soát của người điều khiển phương tiện. Khi đó, người lái xe sẽ được xác định là không có lỗi, được miễn trách nhiệm.

Lúc này, hành khách ngồi sau xe gây tai nạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành vi mở cửa xe bất cẩn gây tai nạn khiến 1 người tử vong. Và tài xế này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

Khoảnnh khắc người đi xe máy ngã xuống đường sau khi người ngồi trên taxi mở cửa.

Khoảnnh khắc người đi xe máy ngã xuống đường sau khi người ngồi trên taxi mở cửa.

Tài xế xe buýt có phải chịu trách nhiệm?

Ngoài ra, trong vụ việc trên, trách nhiệm của tài xế xe buýt cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo luật sư Quách Thành Lực, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là người lái xe buýt đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ về tốc độ, làn đường và cách xử lý khi gặp sự cố hay chưa.

Nếu tài xế đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, còn va chạm xảy ra trong một khoảnh khắc rất ngắn, người bị hại ngã xuống đường một cách đột ngột khiến tài xế không thể kiểm soát tay lái dẫn tới chết người, đây có thể được đánh giá là sự kiện bất ngờ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

"Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy tài xế xe buýt hoàn toàn không có lỗi và đã tìm cách hạn chế tối đa hậu quả, song do sự kiện bất ngờ nên thiệt hại vẫn xảy ra, người này sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự", luật sư Lực nhận định.

Ngược lại, nếu kết quả xác minh cho thấy người này chưa tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ như không đi đúng tốc độ cho phép, thiếu chú ý quan sát, gây ra va chạm với người bị hại dẫn đến hậu quả chết người thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khach-tren-taxi-mo-cua-bat-can-lam-nguoi-di-xe-may-tu-vong-ai-chiu-trach-nhiem-192241020211913221.htm