Khách Việt thăm di tích cổ ở Trung Quốc, ngồi xe ngựa nghe 'bác tài' hát dân ca
Khu du lịch Thủy Động Câu (Ngân Xuyên, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc) được mệnh danh là nơi bắt nguồn lịch sử khảo cổ học của quốc gia tỷ dân.
Thủy Động Câu nằm cách thành phố Ngân Xuyên 19km về phía tây. Đây là nơi chứng kiến sự xuất hiện của người nguyên thủy vào cuối thời kỳ đồ đá cũ.
Nhờ những chuyến bay thẳng Hà Nội - Ordos (Khu tự trị Nội Mông Cổ), nhiều đoàn khách Việt Nam đã đến tham quan những thắng cảnh nổi tiếng ở các khu tự trị Nội Mông Cổ và Ninh Hạ, trong đó có Thủy Động Câu.
Bảo tàng Thủy Động Câu có hình dáng giống như lõi đá, với diện tích trưng bày lên đến 3.100m². Nơi đây có các hiện vật và thông tin về quá trình khai quật và nghiên cứu tại Thủy Động Câu. Bảo tàng còn là nơi tái hiện các hoạt động săn bắn, hái lượm, sinh tồn và sinh sản của cư dân cổ đại Donggou.
Năm 1980, Bảo tàng Ninh Hạ và Cục Địa chất Ninh Hạ đã thành lập một nhóm chung để tiến hành khai quật. Họ đã tìm thấy 63 hóa thạch động vật và hơn 6.700 hiện vật đá, trong đó có hơn 5.500 hiện vật từ thời kỳ đồ đá cũ.
Tại bảo tàng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến phần nền đất khảo cổ vẫn được giữ nguyên hiện trạng dưới những tấm kính.
Điểm nhấn đặc biệt của bảo tàng Thủy Động Câu là khu vực trải nghiệm cuộc sống cổ đại, nơi du khách có thể cảm nhận không gian sống của người xưa thông qua âm thanh, ánh sáng, hình ảnh động và các công nghệ hiện đại khác.
Các hoạt động như giao tiếp, chế tạo công cụ, săn bắt, hái lượm, ca hát, nhảy múa, cũng như các trải nghiệm về ảnh hưởng của thiên tai như bão, động đất, lở đất đến sự sinh tồn của con người, đều được tái hiện một cách sống động.
Để tham quan toàn bộ khu di tích Thủy Động Câu, du khách phải đi bằng thuyền, xe ngựa, xe lạc đà và máy kéo với chi phí 100 Nhân dân tệ (gần 350.000 đồng).
Kênh Thủy Động rộng từ 50 – 200m và sâu từ 6 – 14m. Hai bên bờ là đất vôi màu nâu. Sự xuất hiện của nhiều hố nhỏ do dòng suối tràn đã tạo nên tên gọi Thủy Động Câu. Đây cũng là nơi ghi dấu sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây.
Trên chặng đường di chuyển bằng xe ngựa, du khách sẽ được thưởng thức các bài dân ca đầy hào sảng do chính người điều khiển xe thể hiện.
Tương tự, trên các chuyến xe lạc đà kéo, du khách cũng được thưởng thức giọng hát của những người chủ xe.
Thủy Động Câu được các nhà thám hiểm người Pháp khám phá lần đầu vào năm 1923. Trải qua một thế kỷ, nhiều đợt khai quật đã được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học từ Trung Quốc và quốc tế, qua đó phát hiện hơn 30.000 công cụ đá và 67 hóa thạch của các loài động vật đã tuyệt chủng.
Thủy Động Câu đánh dấu sự giao thoa giữa hai thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá mới, là một trong những di tích đầu tiên của thời kỳ đồ đá được tìm thấy tại Trung Quốc.
Năm 1988, Thủy Động Câu được công nhận là một trong những di tích văn hóa quốc gia được bảo vệ hàng đầu. Nơi đây, thường được mô tả là “cái nôi của nền khảo cổ học tiền sử Trung Quốc”, không chỉ là điểm du lịch hạng 5A mà còn là công viên địa chất quốc gia.
Thủy Động Câu cũng là tuyến phòng thủ lớn ở phương Bắc về mặt quân sự của Trung Quốc thời phong kiến.
Những đường hầm chỉ rộng chừng 60cm trong lòng núi được bố trí nhiều hố chông.
Những chiếc bẫy đá như thế này cũng được bố trí ở nhiều nơi trong đường hầm.
Pháo đài Hồng Sơn được xây dựng theo hình vuông do phù hợp với địa hình và nhu cầu phòng thủ, có chiều dài 30m, rộng 20m.
Kết thúc chuyến tham quan Thủy Động Câu, du khách sẽ được đưa ra bằng những chiếc xe được cải biến từ máy kéo.