Khai gian làm lây COVID-19: Xử lý hình sự!
Trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, người nào không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến phức tạp liên quan đến nhiều ca bệnh khác nhau và chính quyền TP đã kịp thời phong tỏa, xét nghiệm thần tốc tại những điểm và người nghi nhiễm COVID-19.
Một người khai gian dối, cả xã hội mệt
Thời gian gần đây, ngành chức năng đã ghi nhận một số trường hợp người dân thực hiện khai báo y tế không trung thực. Trong đó có những trường hợp bị xử phạt hành chính vì chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn trường hợp ông VĐK bị chủ tịch UBND huyện Văn Yên, Yên Bái ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng vào ngày 10-5 vừa qua, do cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Trước đó, ông VĐK cùng con rể đi khám bệnh tại BV K, Cơ sở 3 Tân Triều, Hà Nội nhưng khi khai báo y tế lại cố tình khai khám ở BV khác.
Với hành vi này, một số người nghĩ đơn giản là chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với một người có hành vi khai báo không trung thực, trốn khai báo y tế...
Mới đây nhất, ngày 30-5, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người để tiến hành điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, từ ngày 26 đến ngày 29-5, trên địa bàn TP.HCM đã có 98 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó hơn 60 trường hợp liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng (do ông PVT và bà VXL phụ trách).
Qua điều tra của cơ quan chức năng, một số người trong nhóm này hoạt động không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người.
Gây thiệt hại càng lớn, mức phạt tù càng lớn
Liên quan đến hậu quả pháp lý mà người thực hiện hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối, luật sư Tạ Minh Trình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết đối với hành vi này người vi phạm sẽ đối diện với hai loại chế tài.
Thứ nhất, về chế tài hành chính, tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với người nào thực thiện hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Theo Quyết định 447/QĐ-TTg thì dịch bệnh COVID-19được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Do đó, người nào thực hiện hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối bệnh COVID-19 sẽ bị xử phạt rất nặng.
Thứ hai, về chế tài hình sự, hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, người vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội. Một là tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hai là tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.
Theo luật sư Trình, để kịp thời hướng dẫn cho TAND, Tòa án quân sự các cấp xét xử về các tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC để hướng dẫn về vấn đề này.
Theo đó, việc xử lý hình sự đối với hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối sẽ được chia ra thành hai trường hợp.
Trường hợp một, đối với người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng không khai báo hoặc khai báo gian dối thì được coi là thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Hành vi này sẽ bị truy tố theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS với khung hình phạt bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trường hợp hai là chế tài hình sự dành cho người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, không tuân thủ quy định cách ly, trốn khỏi khu vực bị cách ly hay khu vực bị phong tỏa.
Người thực hiện một trong các hành vi trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người (Điều 295 BLHS) với khung hình phạt bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Lưu ý đối với tội này, nếu gây thiệt hại về tài sản càng lớn thì mức phạt tù cũng càng lớn.
“Như vậy có thể thấy trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, việc khai báo y tế trung thực của mỗi cá nhân đang đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, các cơ quan chức năng hoàn toàn có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ cá nhân nào không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối mà gây hậu quả như đã nêu” - LS Trình nói.
Nhiều trường hợp đã bị khởi tố, xét xử
Ngày 23-5, Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra trên địa bàn huyện này. Qua quá trình xác minh được biết anh BVN (27 tuổi), dù đã được cơ quan chức năng ra quyết định cách ly tại nhà nhưng anh BVN không chấp hành. Sau đó kết quả xét nghiệm cho anh BVN dương tính với COVID-19.
Trước đó, ngày 30-3, TAND TP.HCM cũng đã tuyên phạt hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với Dương Tấn Hậu về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/khai-gian-lam-lay-covid19-xu-ly-hinh-su-988969.html