Khai giảng khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí

Chiều 2/3, Cục Báo chí và Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí. Tham dự có 65 học viên là cán bộ, phóng viên, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước.

Phát biểu khai giảng khóa học, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Cả nước hiện có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó, 128 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 29 báo và tạp chí điện tử. Có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với hơn 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với phương châm nhất quán là chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát với tình hình thực tiễn và có trọng tâm, trọng điểm.

 Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại khóa học. Ảnh: Tiến Dũng

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại khóa học. Ảnh: Tiến Dũng

Cục trưởng Cục Báo Chí lưu ý: Báo chí của nước nhà đang đứng trước các thách thức lớn cũng như các thực trạng nhức nhối. Nạn “câu view” đang “đồng hóa” báo chí điện tử, tình trạng nhiều cơ quan báo chí chỉ chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực, nhưng không tập trung vào các tin, bài có tính lý luận, khoa học, thông tin chuyên ngành rất hạn chế, thậm chí không có. Đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát một phần nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích liên kết…

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nêu rõ, Cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ mà còn tiếp tục rà quét, đo đạc và siết chặt hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ mục đích. Xử lý mạnh mẽ, triệt để tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, báo hóa mạng xã hội và tình trạng “tư nhân hóa” hoạt động báo chí.

 Hiệu trưởng Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản Thông tin Đinh Đức Thiện phát biểu tại lớp học. Ảnh: Tiến Dũng

Hiệu trưởng Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản Thông tin Đinh Đức Thiện phát biểu tại lớp học. Ảnh: Tiến Dũng

Tiếp tục kiến nghị, tham mưu lên Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chỉ thị về Kinh tế báo chí. Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí ở cả phương thức phân phối nội dung & mô hình kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào mạng xã hội, giành lại thị phần quảng cáo số. Cơ quan chức năng tăng cường “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí trong phát triển nội dung để phát huy hiệu quả của thông tin. Cùng với đó, tăng cường tính minh bạch trong cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần định hướng dư luận xã hội.

Được biết, chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí”, nội dung gồm 7 chuyên đề với 80 tiết, trong đó 48 tiết học, 8 tiết báo cáo, 16 tiết viết thu hoạch; 8 tiết đi thực tế. Trong đó có kiến thức chung về nghiệp vụ quản lý báo chí; Kỹ năng quản lý của cơ quan báo chí; Đi thực tế và viết thu hoạch…

 Tham dự khoa học có 65 học viên là cán bộ, phóng viên, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước. Ảnh: Tiến Dũng

Tham dự khoa học có 65 học viên là cán bộ, phóng viên, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước. Ảnh: Tiến Dũng

Kết thúc khóa học, học viên đủ điều kiện sẽ được Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông cấp Chứng chỉ hoàn thành khóa học. Đây là một trong những điều kiện để hoàn thiện điều kiện về tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí. Khóa học sẽ kết thúc ngày 7/3/2023.

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khai-giang-khoa-boi-duong-nang-cao-kien-thuc-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-post237574.html