Khai giảng không thả bóng bay: Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa
Trong mùa khai giảng vừa qua, một số Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương đã đề nghị các trường học trên địa bàn tỉnh không thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới kể từ năm học 2019-2020; đồng thời hạn chế sử dụng các vật dụng có liên quan đến rác thải nhựa.
Những ngày qua, câu chuyện cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 trường Marie Curie mạnh dạn gửi thư tới hơn 40 trường học ở Hà Nội thông điệp "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển" để kêu gọi các trường đừng thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, khiến các thầy cô bất ngờ, xúc động, nhiều người lớn không khỏi suy nghĩ.
Bé Nguyệt Linh đã nhẹ nhàng đưa đến chúng ta một thông điệp trong ứng xử với môi trường. Thật đáng khen cho cô học trò nhỏ đã dành sự quan tâm sâu sắc đến môi trường sống và sự phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Nghĩa đã bày tỏ xúc động và biểu dương, khen ngợi ý tưởng thiết thực của em Nguyệt Linh. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.
Đáp lại bức thư của em Nguyệt Linh, rất nhiều trường ở Hà Nội cũng như cả nước đã đồng loạt thông báo sẽ bỏ hoàn toàn phần thả bóng bay trong lễ khai giảng. Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn này sẽ được thực hiện để góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Cùng với ý tưởng không thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng, nhiều trường đang lan truyền thông báo đến với phụ huynh và học sinh về việc không sử dụng nilon để bọc vở trong năm học mới. Thông điệp "No Plastic" cũng được lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều trường. Học sinh được yêu cầu không dùng ống hút nhựa, tích cực mang bình nước cá nhân trong những dịp đi dã ngoại để giảm thiểu uống nước đóng chai nhựa. Những thông điệp đó đang được đông đảo các bậc phụ huynh và học sinh ủng hộ.
Tại trường Marie Curie, lễ khai giảng năm nay mang tên Nguyệt Linh. Từ cổng trường, nhiều băng rôn kêu gọi bảo vệ môi trường được lắp đặt. Các bức tranh do học sinh vẽ với chủ đề "Save the nature" (bảo vệ thiên nhiên) và "Save the ocean" (bảo vệ đại dương) được trưng bày hai bên cổng chính.
Lê Thu Thảo (lớp 7A2) chia sẻ vui mừng xen lẫn hồi hộp trước buổi lễ. Học ở trường Marie Curie 5 năm, đây là lần đầu tiên em thấy lễ khai giảng có chủ đề rõ ràng. "Em rất thích chủ đề năm nay, nó giúp chúng em hiểu, chú ý hơn trong việc bảo vệ môi trường". Năm học mới, em hy vọng đạt kết quả học tập tốt, có một năm học vui vẻ, nhẹ nhàng, nhiều ý nghĩa.
Bên cạnh đó, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng hưởng ứng phong trào thay vì bọc vở bằng ni-lông, học sinh có thể thay bằng bìa họa báo, bìa lịch, mua bọc vở bằng giấy để bọc hoặc để nguyên bìa nếu bìa đủ cứng. Dự án "Nói không với bọc vở nilon" của 170 bạn nhỏ và 30 thầy cô đề ra trong hội trại Học sinh tiêu biểu lớp 5 với mong muốn hạn chế tối đa những "cái chết trắng" đã và đang diễn ra trên khắp hành tinh này.
Chị Hoàng Nga (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Bé nhà mình hiện đang học lớp 4. Cứ đầu năm học là mình và bé ngồi với nhau để bọc sách vở cho tươm tất, sạch sẽ. Năm nay bé rất hào hứng đi cùng mẹ để mua giấy bọc vở thay vì bọc ni-lông như những năm trước. Hy vọng những hành động nhỏ này sẽ tạo nên một thay đổi lớn”.
Ngoài ra tại buổi lễ khai giảng của Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thầy Tạ Như Việt - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Lễ khai giảng năm học xanh 2019-2020, với sân khấu chủ yếu là cây xanh, và không có bóng bay hay hoa nhựa…
Tất cả chúng ta đang thấy những tác hại xấu do hành vi phá hoại môi trường trên khắp thế giới: Băng tan - nước biển dâng; rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang tràn ngập các đại dương, dòng sông và đô thị; nhiều cơn bão và thiên tai liên tục ập đến; ngay lúc chúng ta đang ngồi đây, rừng Amazon - khu rừng lớn nhất hành tinh, lá phổi của thế giới vẫn đang rực cháy và khó có thể dập tắt nếu không có sự nỗ lực của nhiều quốc gia.
Nếu môi trường sống tiếp tục bị hủy hoại thì những hành trang tri thức, kỹ năng, văn hóa, công nghệ... mà chúng ta đang tích lũy, liệu có còn nguyên giá trị?
Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều có cơ hội để bàn giao cho thế hệ sau một bức tranh xanh, nếu chúng ta nhận thức và hành động ngay từ hôm nay.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, từ năm 2018, Bộ chỉ đạo tinh giảm các thủ tục trong ngày khai giảng để tạo sự hào hứng cho học sinh, đặc biệt học sinh đầu cấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số trường vẫn tổ chức các hoạt động vì người lớn, chưa thực sự quan tâm đến mong muốn của học sinh, vì học sinh.
Năm nay, Bộ đã ký văn bản hướng dẫn năm học với tinh thần đổi mới, đề nghị các trường tổ chức phần lễ đơn giản, tăng phần hội, chú trọng lễ đón học sinh đầu cấp. Bộ cũng lưu ý các trường không đọc báo cáo tốn thời gian, gây mệt mỏi cho học sinh.
Về phong trào “nói không” với bóng bay trong lễ khai giảng, các trường không có chủ trương cấm việc này, song các trường cũng ý thức được việc gì nên làm, việc gì không để ngày khai giảng thật sự ý nghĩa, tiết kiệm và bảo vệ được môi trường.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ trong nước mà cả thế giới đang rất quan tâm. Những hậu quả từ ô nhiễm môi trường xuất hiện ngày một rõ rệt với tần suất dày đặc hơn. Theo thống kê của báo Wall Street Journal công bố năm 2018, hiện Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về thải rác thải nhựa ra biển. Bởi vậy, dù chỉ là những hành động nhỏ để giảm thiểu tác hại nhưng mỗi chúng ta cùng nhau thực hiện sẽ thành một câu chuyện lớn, mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.