Khai hội Đền Cao An Lạc (Chí Linh)
TP Chí Linh (Hải Dương) vừa tổ chức lễ khai hội truyền thống Đền Cao năm 2025 nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc Đức thánh.

Tiếng trống khai hội Đền Cao An Lạc đã chính thức vang lên
Sáng 20/2 (ngày 23 tháng giêng), tại Đền Cả thuộc quần thể khu di tích Đền Cao, phường An Lạc, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Chí Linh tổ chức lễ khai hội truyền thống Đền Cao năm 2025.
Dự lễ khai hội có lãnh đạo TP Chí Linh, lãnh đạo thị trấn Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là quê hương thân phụ, thân mẫu 5 Đức thánh họ Vương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Ban tổ chức ban khước thánh cho người dân và du khách thập phương
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng đọc diễn văn khai hội ôn lại truyền thống vùng đất địa linh nhân kiệt, tri ân công đức của vua Lê Đại Hành và 5 Đức thánh họ Vương và lịch sử hình thành quần thể di tích Đền Cao An Lạc.
Hằng năm vào ngày 23 tháng giêng, Thành ủy, HĐND, UBND TP Chí Linh tổ chức lễ hội Đền Cao nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc Đức thánh, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Lễ rước bộ gồm 13 kiệu bài vị của các thánh, mũ áo, bát hương, lọng, bánh giầy cùng đoàn người đưa rước từ Đền Cả về đình Hội Đồng
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các ngôi đền thờ phụng 5 Đức thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc giữa vùng không gian văn hóa tâm linh An Lạc. Cùng với đó là 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp oai hùng của 5 Đức thánh họ Vương và những địa danh lịch sử của đại bản doanh An Lạc góp sức cho vua Lê Đại Hành và quân dân Đại Cồ Việt tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng thế kỷ thứ X..
Lễ hội kéo dài đến ngày 21/2. Ngoài phần lễ còn có hoạt động văn hóa, thể thao khác gồm các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, chuyền bóng, bịt mắt đánh trống, giao lưu văn nghệ, giải vật truyền thống…
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khai-hoi-den-cao-an-lac-chi-linh-405692.html