Khai hội Festival Tôm Cà Mau 2023

Tối 10/12, tại TP. Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, sự kiện là cơ hội nhằm quảng bá mạnh mẽ thương hiệu Tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương, khu vực đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác.

Tỉnh Cà Mau cũng mong muốn tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tiềm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần đưa thương hiệu Tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỷ USD, đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.

Với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 – Tự hào thương hiệu Việt” là thông điệp khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau – Tôm Việt, đồng thời thể hiện niềm tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu tôm Cà Mau nói riêng và tôm Việt Nam nói chung lên tầm cao hơn; thể hiện quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc khẳng định vị thế tôm Cà Mau trên thị trường cả về số lượng và chất lượng; lan tỏa hình ảnh con tôm, giá trị của con tôm, văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc từ tôm đến với du khách trong và ngoài nước, bạn bè và đối tác quốc tế.

Phó thủ tướng Lê minh Khái phát biểu tại Lễ Khai mạc festival Tôm Cà Mau 2023

Phó thủ tướng Lê minh Khái phát biểu tại Lễ Khai mạc festival Tôm Cà Mau 2023

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận nỗ lực vượt khó của Cà Mau trong điều kiện kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, đưa GRDP 2023 tỉnh Cà Mau ước tăng gần 8% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt con tôm Cà Mau xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm – lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.

Phó thủ tướng biểu dương chương trình trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề cập đến những khó khăn nội tại của ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giống, vật tư đầu vào; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế phát thải khí nhà kính…

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng hoa chúc mừng các doanh nghiệp trong phát triển ngành tôm Cà Mau

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng hoa chúc mừng các doanh nghiệp trong phát triển ngành tôm Cà Mau

"Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trước hết là xây dựng cho được chuỗi giá trị và lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng ĐBSCL”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khai-hoi-festival-tom-ca-mau-2023-d204885.html